Kinh tế ảm đạm, chứng khoán châu Á quay đầu giảm

Việc OECD hạ mức dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2012 và 2013 đã góp phần "phủ bóng đen" lên thị trường cổ phiếu châu Á.
Trái với diễn biến của phiên trước, chứng khoán châu Á lại đảo chiều đi xuống trong phiên giao dịch ngày 28/11.

Các nhà lập pháp Mỹ vẫn không đạt được bước tiến nào trong việc đi đến một thỏa thuận chung về ngân sách của nước này nhằm ngăn chặn một "vách đá tài chính" có thể xảy ra, giữa bối cảnh kế hoạch cắt giảm chi tiêu công và tăng thuế sẽ tự động được thực thi vào đầu năm 2013.

Bên cạnh đó, việc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) vừa hạ mức dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2012 và 2013 cũng góp phần "phủ bóng đen" lên thị trường cổ phiếu châu Á.

Kết thúc phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm mạnh 114,95 điểm (1,22%), xuống còn 9.308,35 điểm.

Trong khi đó, tại thị trường Seoul của Hàn Quốc và Sydney của Australia, hai chỉ số Kospi và S&P/ASX200 cũng lần lượt mất 12,42 điểm (0,65%) và 9,5 điểm (0,21%), chốt ở mức 1.912,78 điểm và 4.447,3 điểm.

Không nằm ngoài xu hướng trên, tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong cũng khép phiên với “sắc đỏ”, bất chấp kết quả tích cực của cuộc thương lượng kéo dài giữa các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về việc giảm nợ và giải ngân gói cứu trợ tiếp theo dành cho Hy Lạp.

Đóng cửa, chỉ số Hang Seng giảm 135,05 điểm, tương đương 0,62%, xuống 21.708,98 điểm; còn chỉ số Shanghai Composite mất 17,64 điểm (0,89%), xuống 1.973,52 điểm, gần chạm mức thấp nhất trong vòng bốn năm qua.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế vừa công bố ngày 27/11, OECD nhận định rằng đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại rõ rệt trong năm 2013, đồng thời nêu rõ cuộc khủng hoảng nợ tại Eurozone vẫn là mối nguy lớn nhất đối với kinh tế thế giới vào thời điểm hiện tại.

Tổ chức này đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của 34 nước thành viên trong năm 2013 từ 2,2% trong dự báo hồi tháng 5/2012 xuống còn 1,4%.

Tỷ lệ thất nghiệp trong khối này dự báo sẽ tăng từ 8% năm 2012 lên 8,2% năm 2013 và dịu lại ở mức 8% năm 2014, trong khi tỷ lệ lạm phát ước giảm từ 2,1% năm 2012 xuống 1,7% năm 2013, trước khi tăng lên 1,9% năm 2014.

Trên góc độ toàn cầu, OECD cũng hạ dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2012 từ 3,4% xuống 2,9% và năm 2013 từ 4,2% xuống 3,4%. Các nhà phân tích OECD lưu ý rằng triển vọng kinh tế thế giới vẫn bất ổn và bị chi phối bởi không ít rủi ro là các quyết sách liên quan đến cuộc khủng hoảng nợ Eurozone và "vách đá tài chính" ở Mỹ.

Để đối phó với tình trạng tăng trưởng chậm lại, các nhà kinh tế OECD kêu gọi Chính phủ các nước thực thi các biện pháp kích thích tài chính mạnh mẽ, trong đó Trung Quốc và Đức nên chi nhiều hơn để thúc đẩy hoạt động kinh tế, cũng như các biện pháp kích tiền tệ thông qua các gói nới lỏng định lượng (QE).

Đêm trước (27/11), nỗi lo về "vách đá tài chính" của Mỹ tiếp tục dấy lên và là nhân tố chính nhấn Phố Wall chìm sâu vào "sắc đỏ", bất chấp một vài số liệu đáng khích lệ mới được công bố của nền kinh tế số một thế giới, cũng như việc các nhà lãnh đạo tài chính Eurozone và IMF vừa đạt được thỏa thuận mới về kế hoạch giải ngân gói cứu trợ thứ hai dành cho Hy Lạp./.
 
Minh Trang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục