Phạm Duy Nam - Nhà khoa học mặc áo lính

Thiếu tá Phạm Huy Nam cùng cộng sự đã nghiên cứu thành công nhiều công trình khoa học ứng dụng vào quân sự, có hiệu quả kinh tế cao.
Tiếp xúc với tiến sĩ-Thiếu tá Phạm Duy Nam, Trưởng phòng Nghiên cứu Vật liệu, Viện Độ bền nhiệt đới thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga, nhiều người dễ bị ấn tượng bởi sự vui vẻ, hoạt bát của một anh lính Cụ Hồ làm khoa học.

Tuy mới bước vào tuổi 35, song tiến sĩ-Thiếu tá Phạm Duy Nam đã vinh dự được tôn vinh danh hiệu "Thanh niên 3 đỉnh cao quyết thắng" cấp toàn quân.

Ngay khi mới “chân ướt chân ráo” bước vào lĩnh vực khoa học, anh đã gặt hái được thành công về nghiên cứu đề tài "Công trình tổng hợp 2,4-DNR" dùng trong sản xuất mồi lửa, đã được ứng dụng thực tế tại nhà máy Z121 cho kết quả tốt, đáp ứng kịp thời yêu cầu nghiệm thu dây chuyền sản xuất kíp vi sai.

Nhà máy Z121 (Tổng cục công nghiệp quốc phòng) được đầu tư dây chuyền sản xuất kíp nhập khẩu từ Bỉ. Nhưng việc nghiệm thu và đưa dây chuyền vào sản xuất gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu 2,4-DNR vì đây là chất nhạy nổ nên rất khó nhập khẩu với giá thành cao.

Từ yêu cầu bức xúc của nhà máy, Tiến sĩ Phạm Duy Nam và cộng sự đã “bắt tay” vào nghiên cứu, thử nghiệm và đã thành công.

Nhóm các nhà khoa học đã tổng hợp được 2,4-DNR bằng một quy trình công nghệ trong phòng thí nghiệm với hiệu suất 23%.

Sản phẩm đạt chất lượng theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Bỉ. Dây chuyền đã được nghiệm thu và được cho phép sản xuất.

Riêng nhà máy Z121 cũng có kế hoạch sử dụng 2,4 DNR trên một số sản phẩm quân sự khác.

Đặc biệt, với công nghệ dùng để tổng hợp được hoạt chất nhạy nổ 2,4 DNR, Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga có thể hoàn toàn tự chủ việc cung cấp loại sản phẩm này ở trong nước với giá thành hợp lý.

Cũng chính nhờ thành công ban đầu, nhóm nghiên cứu do tiến sĩ Phạm Duy Nam đứng đầu đã được Bộ Quốc phòng giao chủ trì đề tài để hoàn thiện công nghệ tổng hợp chất 2,4 DNR trong hai năm 1997-1998.

Hiện công nghệ sản xuất sản phẩm đã được cải thiện, nâng hiệu suất của quy trình lên khoảng 50%, với thể tích phản ứng giảm đi khoảng 3 lần.

Không chỉ dừng lại ở đó, trong suốt thời gian qua, tiến sĩ Phạm Duy Nam và cộng sự đã tiếp tục nghiên cứu thành công nhiều công trình khoa học, được ứng dụng vào thực tế quân sự và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tiêu biểu là "công trình tổng hợp bromua etyl" làm chất dập cháy trên xe tăng, xây dựng được quy trình tổng hợp etylbromua ở quy mô sản xuất nhỏ, chuyển giao 1 dây chuyền công nghệ cho X1-Cục Kỹ thuật binh chủng.

Sắp tới, nhóm nghiên cứu sẽ triển khai tiếp công nghệ này tại một đơn vị thuộc Cục kỹ thuật binh chủng tại miền Nam.

Nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Phạm Duy Nam còn thành công trong việc tổng hợp các chất ức chế bay hơi chống ăn mòn kim loại. Hầu hết các sản phẩm đã được tổng hợp áp dụng thử tại nhiều đơn vị trong toàn quân.

Sản phẩm được sử dụng để bảo vệ thùng nhiên liệu, nòng pháo, nòng cối các loại, bảo vệ súng AK, bảo vệ đạn.

Một số vật liệu bảo quản bằng ức chế bay hơi (giấy ức chế, viên ức chế, dung dịch ức chế) do trung tâm chế tạo trên cơ sở các sản phẩm tổng hợp có thể bảo vệ được vũ khí thiết bị kỹ thuật với thời hạn 3 năm, một số mẫu có thể bảo vệ với thời gian dài hơn.

Một đề tài khác cấp bộ do Phòng Nghiên cứu Vật liệu do tiến sĩ Phạm Duy Nam chủ trì thực hiện từ năm 2007-2009 là "Nghiên cứu tổng hợp chất cháy quân sự trietyl nhôm". Đây là chất cháy quân sự được dùng trong đạn cháy nhiều loại đã chế thử thành công.

Những kết quả nghiên cứu ứng dụng trực tiếp cho quân đội đồng thời có tính lưỡng dụng cao là sự nỗ lực không ngừng của tập thể các cán bộ khoa học trong Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga, trong đó có tiến sĩ Phạm Duy Nam.

Tập thể các nhà khoa học "mặc áo lính" đã tiếp thu, làm chủ các kỹ thuật và phương pháp mới trong tổng hợp hữu cơ, tổng hợp bằng dung môi tái sử dụng-thân thiện môi trường, kết hợp chặt chẽ nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng để mang lại hiệu quả rõ nét./.

Nguyễn Hồng Điệp (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục