Moore tung "cú đấm"

Michael Moore với "cú đấm" vào chủ nghĩa tư bản

Bộ phim tài liệu "Capitalism: A Love Story" (Chủ nghĩa tư bản: Một câu chuyện tình) nhận được những phản hồi tích cực từ giới phê bình.
Ra mắt tại liên hoan phim Venice năm nay, bộ phim tài liệu "Capitalism: A Love Story" (Chủ nghĩa tư bản: Một câu chuyện tình) lập tức nhận được những phản hồi tích cực từ giới phê bình.

Tạp chí Variety đánh giá đây là một trong những bộ phim hay nhất của đạo diễn Michael Moore.

Phát biểu trước các nhà báo có mặt tại liên hoan phim Venice, đạo diễn Moore cho biết: "Cá nhân tôi chịu ảnh hưởng của những "người tốt", những người làm việc vất vả và cuộc sống bị hủy hoại do quyết định từ các cá nhân vốn không quan tâm tới lợi ích của ai khác ngoài công ty họ".

Hòa trộn sự châm biếm đã trở thành "thương hiệu" với số phận bi kịch của nhân vật, Moore tấn công vào chủ nghĩa tư bản, bởi theo ông hình thái xã hội này này đã mang lại những khoản lợi nhuận kếch xù cho người giàu và đẩy hàng triệu người làm công đến cảnh đói nghèo.

Nhà làm phim người Mỹ nói: "Chủ nghĩa tư bản là một thảm họa. Bạn phải loại trừ và thay thế nó bằng một thứ khác tốt đẹp cho tất cả mọi người".

"Capitalism: A Love Story" nêu bật những số phận bị lòng hám lợi của những ông chủ công ty làm cho đảo lộn. Phim xoáy sâu vào nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Trong đó, Moore có đặc tả cảnh một hãng sản xuất cửa kính bị tập thể công nhân nổi loạn để đòi tiền lương, sau khi ban giám đốc xa thải 250 nhân viên và cuối cùng họ đã chiến thắng.

Moore cũng hướng ống kính đến một trại giam giữ các nạn nhân tuổi vị thành niên ở Wilkes Barre, Pennsylvania, Mỹ. Tại đây, các thẩm phán được trả lương để tống các thiếu niên vào nhà giam vì những lỗi "vớ vẩn", bột phát.

Chẳng hạn, một cậu bé bị nhốt sau chấn song sắt chỉ vì đã ném miếng thịt vào mặt mẹ của bạn mình trong cuộc ẩu đả tại bàn ăn tối. Hoặc một bé gái bị buộc tội xúc phạm danh dự thầy hiệu phó vì đã chế giễu thầy trên trang MySpace.

Moore còn đưa vào phim những hình ảnh của bọn tội phạm quanh các ngân hàng và cơ sở tài chính trên phố Wall. Đạo diễn này nói rằng ông muốn đại diện cho "hàng triệu người Mỹ thích được đặt cảnh tội phạm trong bối cảnh quanh phố Wall".

Moore từng chỉ trích ngành y tế Mỹ trong phim tài liệu "Sicko" (2007) và vì thế đã dấy lên cuộc tranh cãi mang tầm liên bang quanh việc tại sao một đất nước tiên tiến như Mỹ lại không có hệ thống chăm sóc sức khỏe hoàn thiện.

Mặc dù "Capitalism: A Love Story" mang một thông điệp chính trị mạnh mẽ nhưng Moore nói rằng, mục đích của ông khi làm bộ phim này là để "giải khuây" cho mọi người bằng một tác phẩm điện ảnh khiến "bạn có thể cười, khóc hoặc suy ngẫm. Tôi hạnh phúc với tất cả những điều đó"./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục