"Việc mua cổ phần có ý nghĩa chính trị hơn kinh tế"

Đối với việc bán cổ phần cho tổ chức Công đoàn, Thủ tướng cho rằng việc mua cổ phần ý nghĩa chính trị nhiều hơn ý nghĩa kinh tế.
Đối với việc bán cổ phần cho tổ chức Công đoàn, quy định tại Nghị định 109 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho rằng việc mua cổ phần ý nghĩa chính trị nhiều hơn ý nghĩa kinh tế, để Công đoàn có tiếng nói trong Hội đồng quản trị.

Nguồn mua có thể là quỹ của Công đoàn, doanh nghiệp ủng hộ, hoặc các nguồn hợp pháp khác, với giá bán ưu đãi cho người lao động.

Tại buổi làm việc ngày 2/6 với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sau khi nghe ý kiến của đại diện lãnh đạo các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tư pháp, Xây dựng… về những đề xuất, kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đánh giá cao sự phối hợp giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chính phủ và chính quyền các cấp đã ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp triển khai thực hiện chủ trương đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, phát triển kinh tế-xã hội, hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực lao động, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.

Thủ tướng đã giải đáp những đề xuất, kiến nghị của tổ chức Công đoàn như tăng nguồn phân bổ từ Quỹ quốc giải quyết việc làm cho Tổng Liên đoàn để cho vay giải quyết việc làm đối với đối tượng công nhân, lao động bị mất việc; đẩy mạnh triển khai thực hiện Quyết định 66 và 67 về ban hành một số cơ chế, chính sách phát triển nhà ở cho công nhân, lao động ở các khu công nghiệp và người thu nhập thấp tại khu vực đô thị; sửa đổi danh mục nghề và các chế độ, chính sách với người làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; xử lý vi phạm đối với doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội… và giao các Bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với tổ chức Công đoàn thực hiện.

Đối với đề xuất của Tổng Liên đoàn, đề nghị Chính phủ hỗ trợ cơ sở vật chất nâng cao năng lực cho các trường, trung tâm dạy nghề của hệ thống Công đoàn, Thủ tướng nêu rõ, trường đào tạo nghề của Công đoàn nằm trong hệ thống và chính sách chung cho các trường trong cả nước, đã được bố trí kinh phí hàng năm. Các trường nên tham gia vào đề án đào tạo nghề khác để được tăng thêm ngân sách, song song với đầu tư, mở rộng, cần nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Các trường cần liên kết với các doanh nghiệp đào tạo theo yêu cầu, thực chất; xây dựng đội ngũ giáo viên chất lượng cao.

Thủ tướng nói Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cần chủ động phát hiện các trường hợp vi phạm quyền lợi người lao động… Ủy ban Nhân dân các cấp phối hợp chặt chẽ với tổ chức công đoàn bảo vệ quyền lợi của người lao động, góp phần nâng cao đời sống người lao động. Bộ Xây dựng nghiên cứu xây dựng bổ sung chính sách cho các doanh nghiệp sử dụng đông lao động nhưng nằm ngoài khu công nghiệp có quỹ đất để xây nhà ở cho công nhân…

Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng, tổ chức Công đoàn tiếp tục có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở. Công đoàn tích cực tham gia giải quyết việc làm, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tham gia giải quyết tranh chấp lao động và đình công, góp phần ổn định quan hệ lao động và sản xuất kinh doanh ở cơ sở. Do đó, tình hình tranh chấp lao động và đình công năm 2009 giảm hẳn so với năm 2008./.

Bích Thủy (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục