Mỹ giảm 50% ca mắc HPV nhờ vắcxin phòng ung thư

Việc sử dụng vắcxin phòng ung thư cổ tử cung tại Mỹ từ năm 2006 đã làm giảm hơn 50% số ca nhiễm virus HPV ở trẻ em gái và phụ nữ trẻ.
Các quan chức y tế Mỹ ngày 19/6 cho biết việc đưa vào sử dụng vắcxin phòng ung thư cổ tử cung tại Mỹ từ năm 2006 đã làm giảm hơn 50% số ca nhiễm virus HPV -loại virus lây lan qua đường sinh dục - ở trẻ em gái và phụ nữ trẻ.

Trong báo cáo đăng trên Tạp chí Bệnh truyền nhiễm, nhóm nghiên cứu cho biết kết quả này tốt hơn so với dự kiến và có thể là một gợi ý để các cá nhân chưa tiêm vắcxin này nên đi tiêm phòng.

Tiến sỹ Thomas Frieden, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ nhấn mạnh việc báo cáo chỉ ra cơ chế hoạt động của HPV là rất tốt và đó là tiếng chuông cảnh tỉnh cho nước Mỹ trong việc bảo vệ thế hệ tương lai bằng cách tăng cường tiêm vắcxin phòng HPV.

Ông Frieden cho biết hiện mới chỉ có 1/3 số trẻ em gái Mỹ trong độ tuổi từ 13-17 đã được chủng ngừa đầy đủ các loại vắcxin phòng ung thư cổ tử cung, trong đó có Gardasil của hãng dược phẩm Merck và Cervarix của hãng GlaxoSmithKline. Con số này thấp hơn nhiều so với tỷ lệ được tiêm chủng ở các nước như Rwanda, nơi có tới hơn 80% nữ thanh thiếu niên được tiêm phòng vắcxin này.

CDC khuyến cáo nên tiêm phòng vắcxin HPV cho bé trai và bé gái trong độ tuổi 12-13. Tuy nhiên, chỉ một nửa số trẻ em gái ở Mỹ được tiêm chủng ít nhất 1 trong 3 mũi vắcxin này và số trẻ em trai thậm chí còn ít hơn, với chỉ 1 mũi đầu tiên.

Theo số liệu của CDC, mỗi năm ở Mỹ có khoảng 19.000 phụ nữ bị mắc bệnh ung thư do nhiễm HPV, trong đó ung thư cổ tử cung là phổ biến nhất.

Nhiễm HPV cũng gây ra khoảng 8.000 trường hợp ung thư ở nam giới, trong đó chủ yếu là ung thư thanh quản./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục