Mỹ và Ireland thỏa thuận hợp tác chống trốn thuế

Mỹ đạt thỏa thuận với Ireland về việc chia sẻ thông tin tài chính của tầng lớp giàu có trong nỗ lực hạn chế tình trạng trốn thuế.
Ngày 6/12, Bộ Tài chính Mỹ thông báo đã đạt được thỏa thuận với Ireland về việc chia sẻ thông tin tài chính của tầng lớp giàu có trong nỗ lực hạn chế tình trạng trốn thuế.

Thỏa thuận này là một phần trong việc triển khai Đạo luật tuân thủ thuế chủ tài khoản nước ngoài (FATCA).

Được ban hành vào năm 2010 và dự kiến có hiệu lực từ năm 2014, FATCA quy định các cơ sở tài chính nước ngoài làm việc tại Mỹ phải khai báo với Sở thuế vụ Mỹ về những tài khoản có giá trị hơn 50.000 USD của người Mỹ gửi ở nước ngoài. Các quỹ, ngân hàng và công ty không thực hiện đúng luật có thể bị buộc phải ra khỏi thị trường tài chính Mỹ.

Mỹ đã đạt được thỏa thuận FATCA với nhiều quốc gia như Anh, Đan Mạch và Mexico. Đại diện Bộ Tài chính cho biết họ cũng đã khởi động thỏa thuận với Thụy Sĩ và Tây Ban Nha.

Phát biểu ngày 6/12, quan chức Sở thuế vụ Mỹ (IRS) Steven Miller nhấn mạnh FATCA sẽ là một "công cụ" buộc những người đóng thuế thích "lách luật" phải minh bạch hơn về vấn đề tài sản cá nhân. Các chuyên gia nhận định thỏa thuận FATCA là một cách tiếp cận hữu hiệu trong nỗ lực củng cố mạng lưới thuế khóa tại Mỹ.

FATCA đã vấp phải nhiều sự phản đối từ bộ phận những người Mỹ có tài khoản nước ngoài, cho rằng quy định của đạo luật này quá "tọc mạch."

Các cơ sở tài chính quốc tế cũng phàn nàn về chi phí tham gia cũng như lo ngại về sự vi phạm luật, đặc biệt ở những nước mà bảo mật ngân hàng là một phần của thông lệ tài chính. Tuy nhiên, bất chấp những tranh cãi, đến nay chương trình của IRS đã thu về được 5,5 tỷ USD và nhận được khoảng 75 đến 150 đơn xin tham gia mỗi tuần. IRS cũng cho biết những người gia nhập sớm sẽ nhận được nhiều ưu đãi hơn.

Theo lời ông Miller, IRS đang cân nhắc việc kết hợp FATCA với một quy chế tương tự là Báo cáo các Trương mục ngân hàng và Tài chính ngoại quốc (FBAR), một bản báo cáo bắt buộc hàng năm đối với các cá nhân có lợi tức tài chính hoặc thẩm quyền đối với tài khoản ngoại quốc có giá trị hơn 10.000 USD./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục