Bão số 6 hướng vào vùng ven biển Bắc Trung Bộ

Trong 24 giờ tới, bão số 6 (tên quốc tế là Nalgae) sẽ cách bờ biển các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình, khoảng 100km về phía Đông.
Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương nhận định trong 24 giờ tới, bão số 6 (tên quốc tế là Nalgae) sẽ cách bờ biển Nghệ An-Quảng Bình khoảng 100km về phía Đông.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74km/giờ), giật cấp 9, cấp 10. Lũ trung lưu sông Mekong đang lên, trên dòng chính sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên xuống chậm, và ở mức cao; riêng sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa đang lên nhanh.

Hồi 13 giờ ngày 4/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,6 độ Vĩ Bắc; 110,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị-Thừa Thiên Huế khoảng 330km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88km/giờ), giật cấp 10, cấp 11.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10-15 km, có khả năng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó đi vào đất liền và suy yếu nhanh thành một vùng áp thấp. Đến 1 giờ ngày 6/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 17,8 độ Vĩ Bắc; 105,8 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt-Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39km/giờ).

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão kết hợp với đới gió đông bắc mạnh, nên vùng biển Vịnh Bắc Bộ, vùng biển các tỉnh Quảng Trị-Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Biển động rất mạnh; vùng ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị từ sáng mai (05/10) gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Nam có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Trong khi bão số 6 đang có xu hướng giảm cấp độ bão ở Bắc Trung Bộ thì lũ trung lưu sông Mekong đang lên, mực nước cao nhất ngày 3/10, trên sông Cửu Long, tại sông Tiền, trạm Tân Châu ở mức 4,79m, cao hơn báo động 3 là 0,29m, Cao Lãnh là 2,26m, cao hơn báo động 3 là 0,04m, trạm Châu Đốc ở mức 4,22m, cao hơn báo động 3 là 0,22m, Long Xuyên là 2,56m, cao hơn báo động 3 là 0,06m; tại trạm Xuân Tô trên kênh Vĩnh Tế ở 4,39m, cao hơn báo động 3 là 0,39m; tại trạm Chợ Mới, sông Ông Chưởng ở mức 3,36m, cao hơn báo động 3 là 0,36m. Trên sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa lúc 7 giờ ngày 04/10: 2,38m, dưới báo động 3: 0,02m.

Lũ trên dòng chính sông Cửu Long tiếp tục xuống dần; vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên tiếp tục xuống chậm, riêng sông Vàm Cỏ Tây tiếp tục lên nhanh. Đến ngày 8/10, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu xuống mức 4,7m (trên báo động 3: 0,2m), tại Châu Đốc xuống mức 4,1m (trên báo động 3: 0,1m), tại các trạm chính vùng nội đồng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên xuống mức báo động 2-báo động 3.

Sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa tiếp tục lên nhanh và đến ngày 8/10 ở mức 2,6m, trên báo động 3: 0,2m. Cần tiếp tục phòng chống lũ lớn, ngập sâu ở vùng đầu nguồn và Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên./.

Thu Phương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục