Anh từ bỏ EU, London sẽ nhanh chóng đánh mất vị thế

Theo TGĐ Standard Life Investments, nếu Anh kiên quyết ra khỏi EU thì London sẽ nhanh chóng đánh mất vị thế là trung tâm tài chính lớn.
Nếu Anh kiên quyết ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), thì London sẽ nhanh chóng đánh mất vị thế là trung tâm tài chính lớn của khu vực và cả thế giới, khiến triển vọng phát triển kinh tế của xứ sở sương mù càng thêm ảm đạm.

Đó là cảnh báo hôm 31/7 của ông Keith Skeoch - Tổng Giám đốc Tập đoàn Standard Life Investments - một trong những "đại gia" về quản lý quỹ đầu tư ở nước Anh.

Khu tài chính London từ trước tới nay vẫn dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực quản lý danh mục đầu tư nước ngoài, và là một trong những trung tâm lớn về quản lý tài sản cá nhân trên phạm vi toàn cầu. Có nhiều yếu tố làm nên sức mạnh của Khu tài chính London, như văn hóa giao dịch, nền tảng kỹ năng, chất lượng dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ hỗ trợ, ngôn ngữ, múi giờ thuận lợi.

Tuy nhiên, ông Skeoch cho rằng điều quan trọng nhất là Anh phải ở vào tâm điểm của mọi hoạt động kinh tế - thương mại - đầu tư của châu Âu và cả thế giới. Mục tiêu phấn đấu này không chỉ giúp London tiếp tục là thị trường vốn quan trọng trên phạm vi toàn cầu, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để Anh gia tăng ảnh hưởng trong quá trình hoạch định và triển khai chính sách của châu Âu.

Những phát biểu khá thẳng thắn của ông Skeoch cho thấy một thực tế là ngày càng có nhiều nhà lãnh đạo Khu tài chính London đầy thế lực lên tiếng ủng hộ việc Anh duy trì tư cách thành viên EU. Mặc dù biết rằng có thể châm ngòi cho những tranh cãi mới, nhưng giới lãnh đạo các tập đoàn lớn đang tìm mọi cách ngăn cản kế hoạch tổ chức trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU của Anh.

Dư luận cho rằng sự đồng thuận trong cách tiếp cận về EU của giới lãnh đạo doanh nghiệp Anh sẽ làm gia tăng sức ép nhằm vào đảng Bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng David Cameron. Gần đây, cả Nhật Bản và Australia cũng lên tiếng cảnh báo rằng London sẽ không còn là trung tâm tài chính - kinh tế của thế giới, nếu Anh ra khỏi EU. Khi đó, sẽ xuất hiện nhiều hệ lụy tiêu cực như kinh tế trì trệ, thiếu vốn đầu tư, hoạt động xuất nhập khẩu ảm đạm, người lao động mất việc làm.

Theo ông Skeoch, Anh cần phải đóng vai trò quan trọng hơn trong quá trình hoạch định chính sách của châu Âu. Trước mắt, ông hối thúc các nghị sỹ và chính trị gia cần thúc đẩy "văn hóa chia sẻ trách nhiệm" trên khắp châu Âu. Ông coi đây là một trong những điều kiện quan trọng để thu hút vốn đầu tư và kích thích tăng trưởng kinh tế dài hạn cho toàn châu lục.

Cho đến thời điểm này, kinh tế châu Âu vẫn phụ thuộc nhiều vào lĩnh vực tài chính mà hiện đang lâm vào khủng hoảng./.

Lê Phương/London (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục