NASA phóng vệ tinh hồng ngoại thăm dò địa hình

Vệ tinh sẽ ghi lại vị trí và kích thước của khoảng 200.000 thiên thể mờ mà các kính viễn vọng thông thường không phát hiện được.
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) ngày 15/12 đã phóng vệ tinh hồng ngoại thăm dò địa hình (WISE) để thực hiện nhiệm vụ ghi lại bản đồ không gian, nhằm tìm ra các thiên thể chưa được phát hiện, kể cả những thiên thể có khả năng gây nguy hiểm.

Theo NASA, sau khi bị hoãn hôm 11/12 do thiết bị lái gặp trục trặc, vào 6 giờ 09 phút (giờ địa phương) sáng 15/12, WISE đã được tên lửa Delta II phóng lên quỹ đạo tại Căn cứ Không quân Vandenberg, bang California.

Sứ mệnh của vệ tinh trị giá 320 triệu USD này là bay quanh quỹ đạo, cách Trái Đất 500km, trong 10 tháng, để ghi lại vị trí và kích thước của khoảng 200.000 thiên thể mờ trong đó có các đám mây bụi, các ngôi sao lùn nâu ở ranh giới giữa hành tinh và sao, mà các kính viễn vọng thông thường không phát hiện được.

NASA cho biết các tia hồng ngoại của WISE có độ nhạy gấp 500 lần so với những tia được sử dụng trong cuộc nghiên cứu với mục đích tương tự cách đây 26 năm. Bên cạnh đó, nó còn có khả năng ghi lại những bức ảnh rõ nét hơn do được trang bị máy ảnh có độ phân giải lên tới 4 triệu điểm ảnh, gấp gần 65.000 lần so với thiết bị được sử dụng năm 1983.

Các nhà khoa học hi vọng WISE sẽ giúp họ xác định rõ số lượng thiên thể đang hình thành và nguy cơ tiềm tàng của chúng đối với Trái Đất, cũng như hiểu thêm về tốc độ các ngôi sao được hình thành trong quá trình va chạm. Ngoài ra, với việc ghi lại bản đồ các ngôi sao lún nâu trong dải Ngân Hà, WISE còn giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về cấu trúc và sự phát triển của dải Ngân Hà.

Dự kiến, sau một tháng kiểm tra và xác định thiết bị trên WISE, bắt đầu từ tháng 1/2010, cứ 8 giây vệ tinh này sẽ cho ra đời một bức ảnh không gian./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục