Giới chuyên gia cảnh báo nguy cơ thiếu lương thực

GHI kêu gọi các nước tăng đầu tư vào châu Á và châu Phi nhằm tăng sản lượng lương thực tại đây, trong khi an ninh lương thực bất ổn.
Trong báo cáo công bố ngày 17/10, Sáng kiến Thu hoạch toàn cầu (GHI) đã kêu gọi các nước tăng cường đầu tư vào châu Á và châu Phi nhằm tăng sản lượng lương thực ở hai khu vực này, trong bối cảnh an ninh lương thực trên thế giới ngày càng bất ổn đẩy hàng triệu người trong khu vực vào cảnh thiếu ăn.

Báo cáo hàng năm lần thứ ba của GHI - một tổ chức tư vấn về chính sách công liên quan tới lĩnh vực lương thực, nông nghiệp và công nghệ, có trụ sở tại Washington của Mỹ, nhấn mạnh vào năm 2050, khu vực Nam sa mạc Sahara ở châu Phi chỉ có thể đáp ứng được 13% tổng nhu cầu lương thực, trong khi Đông Á chỉ đáp ứng 74% nhu cầu này, nếu các lĩnh vực như công nghệ và cơ sở hạ tầng không được đầu tư và cải thiện.

Cùng thời điểm này, Trung Đông và Bắc Phi sẽ chỉ đáp ứng được 83% nhu cầu lương thực, với điều kiện khu vực này vẫn duy trì chỉ số TFP - phản ánh số lượng tất cả các đầu ra và số lượng tất cả các đầu vào, như hiện nay. Trong khi đó, khu vực Mỹ Latinh và Caribe được dự báo sẽ sản xuất được lượng lương thực dư thừa vào năm 2050 nếu chỉ số TFP hiện nay không thay đổi.

Tuy nhiên, nếu chú trọng đầu tư vào cơ sở hạ tầng và tiếp tục nâng cao sản lượng lương thực, khu vực này có triển vọng trở thành một nhà xuất khẩu lương thực lớn. Đông Âu và các nước thuộc Liên Xô trước đây cũng được đánh giá là có tiềm năng sản xuất lương thực rất lớn, mặc dù sản lượng hiện tại tương đối thấp.

Theo báo cáo, nhu cầu lương thực ở châu Á tăng cao và vượt quá khả năng cung ứng là do thu nhập của người dân tăng. Nhu cầu lương thực của châu lục này dự kiến tăng 3,64% mỗi năm trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2030. Riêng khu vực Nam và Đông Nam Á, nhu cầu lương thực ước tính tăng 2,75% mỗi năm.

Ông Jerry Flint, người đứng đầu GHI, cho biết để có thể đáp ứng được nhu cầu lương thực vào năm 2050, các nước cần tăng cường đầu tư vào thương mại, các lĩnh vực sản xuất công và tư nhân, các chương trình viện trợ..., đồng thời các vựa lương thực lớn trên thế giới cần nâng cao sản lượng ở mọi cấp độ, từ các tiểu nông tới các nhà xuất khẩu thương mại.

Một số mục tiêu cần đạt được như xóa bỏ rào cản thương mại đối với lĩnh vực nông nghiệp, cải tiến công nghệ, tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng tại các vùng nông thôn cũng như cho việc nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển nông nghiệp. Ngoài ra, việc tiếp cận, sử dụng và sự bền vững của các nguồn nước cũng cần được lưu ý trong dài hạn.

Theo số liệu của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), vào năm 2050, sản lượng lương thực toàn cầu phải tăng tới 70% so với thời điểm hiện tại mới có thể nuôi sống được dân số thế giới dự kiến tăng lên 9 tỷ người./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục