Nhân viên EU định bãi công phản đối giảm ngân sách

Các nghiệp đoàn trong Liên minh châu Âu đã kêu gọi tiến hành bãi công vào ngày 8/11 tới để phản đối việc cắt giảm ngân sách.
Thông tin báo chí tại Brussels cho biết các nghiệp đoàn chính đại diện cho các nhân viên làm công ăn lương trong Liên minh châu Âu đã kêu gọi tiến hành bãi công vào ngày 8/11 để phản đối việc nhiều nước thành viên trong liên minh thúc đẩy việc cắt giảm số lượng nhân viên và các khoản chi tiêu hành chính trong tài khóa tới của khối này.

27 nước thành viên của EU hiện đang tranh cãi quyết liệt về khuôn khổ tài chính của họ trong bảy năm tới, từ 2014-2020. Cuộc tranh cãi sẽ trở thành chủ đề hàng đầu tại một hội nghị thượng đỉnh dự định được tổ chức vào ngày 22-23/11, nhưng Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy đã cảnh báo rằng hội nghị có thể bị kéo dài hơn dự kiến.

[Thêm một nước "dọa" phủ quyết ngân sách của EU]

Thủ tướng Anh David Cameron dọa sẽ phủ quyết bất kỳ thỏa thuận nào không ấn định mức chi tiêu ngang với mức của năm 2011, còn những nước như Đức và Hà Lan cũng kêu gọi cắt giảm bớt chi tiêu của EU.

Các nghiệp đoàn cho biết những nước tự nhận là “Những người bạn của chính sách chi tiêu hợp lý hơn” muốn đặt ra mức trần cho chi tiêu hành chính của cả khối chỉ là 48 tỷ euro trong 7 năm, so với mức 63 tỷ do Ủy ban châu Âu đề xuất.

Felix Geradon, một biên dịch viên tại Hội đồng châu Âu và là Phó Tổng thư ký của Nghiệp đoàn Syndicale de Bruxelles, đại diện cho các nhân viên làm việc trong tất cả các thể chế của EU, nhận xét những khoản cắt giảm như vậy “sẽ khiến cho các thể chế không thể thực hiện được các chức năng của họ theo đúng cách.”

Thực tế là rất khó so sánh các khoản chi tiêu với ngân sách hiện hành, vì mức chi tiêu được đặt ra ngay từ giai đoạn đầu của tài khóa sẽ được điều chỉnh hàng năm theo lạm phát, nhưng Ủy ban châu Âu cho rằng khi chi phí cho lương hưu và cho con em của các nhân viên học tại các trường châu Âu được tách ra, các khoản chi tiêu hành chính sẽ thực sự được ổn định ở mức của năm 2013.

Các bộ trưởng tài chính EU sẽ cần phải đạt được thỏa thuận về ngân sách năm cho 2013 và đang hy vọng sẽ đạt được mục tiêu này tại cuộc họp vào ngày 7/11 - một ngày trước khi cuộc bãi công diễn ra.

Ông Geradon ước tính có tới 90% nhân viên trong Hội đồng châu Âu sẽ tham gia cuộc lãn công trong tuần tới, còn số nhân viên trong ủy ban thì sẽ tham gia với tỷ lệ thấp hơn đôi chút. Các nhân viên trong Nghị viện châu Âu chỉ có kế hoạch tổ chức một hội nghị toàn thể, nhưng vẫn đi làm bình thường.

Cuộc bãi công của các công chức tại Brussels không được nhiều chính trị gia và công dân châu Âu hoan nghênh vào một thời điểm khi EU đang buộc nhiều nước thành viên phải cắt giảm mạnh chi tiêu.

Song ông Geradon nói rõ việc cho rằng các nhân viên EU muốn có một thỏa thuận nhàn hạ là hoàn toàn không công bằng.

Ông nói trên tờ Real Time Brussels: “Chúng tôi cũng đang thực hiện thỏa thuận của chúng tôi về các biện pháp khắc khổ.”

Năm ngoái, các nước thành viên đã hoãn thực hiện kế hoạch tăng lương mà lẽ ra các nhân viên EU được hưởng theo công thức được dùng để tính lương cho họ (công thức này được dựa trên chế độ chi trả cho các công chức ở Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Anh và ba nước nhóm Benelux là Bỉ, Hà Lan và Luxembourg).

Ông Geradon cho biết một động thái tương tự sẽ diễn ra trong năm nay. Trước hết, đề xuất của Ủy ban dự tính sẽ cắt giảm 5% số nhân viên đồng thời tăng giờ làm và tuổi nghỉ hưu.

Nếu cuộc bãi công ngày 8/11 không làm thay đổi được quan điểm của các nước thành viên EU về chi tiêu hành chính, các nghiệp đoàn có kế hoạch tổ chức một ngày bãi công nữa vào 16/11.

Ông Geradon nói: “Hy vọng rằng chúng tôi sẽ không phải tổ chức thêm một ngày bãi công nữa, song dĩ nhiên đó rất có thể một kế hoạch về lâu dài”./.

Thái Vân/Brussels (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục