Cảnh báo an ninh di động

Phần mềm an ninh di động sẽ bị giả mạo nhiều nhất

Sau hàng loạt vụ nghe lén, lừa đảo SMS vừa xảy ra, phần mềm an ninh cho điện thoại di động vẫn được cảnh báo sẽ bị giả mạo nhiều nhất.
Công ty An ninh mạng Bkav cho rằng, năm 2013, các phần mềm nổi tiếng, phần mềm an ninh cho điện thoại di động sẽ là đối tượng bị giả mạo nhiều nhất. Bên cạnh đó, hoạt động gián điệp mạng thông qua phát tán virus sẽ trở thành ngành "công nghiệp."

Lý giải nguyên nhân dẫn đến nhận định này trong bản tin tổng kết tình hình an ninh mạng được đưa ra sáng nay (24/1), ông Nguyễn Công Cường, phụ trách Bộ phận an ninh di động của Bkav nhận định: "Nhu cầu cài đặt phần mềm an ninh cho di động tăng cao là miếng mồi ngon để giới tội phạm nhắm tới.”

Hệ thống giám sát virus của Bkav đã phát hiện từ đầu năm 2012 đến nay tại Việt Nam có tới 34.094 mẫu virus lây lan trên di động, gấp hơn 9 lần so với năm 2011 (3.700 mẫu).

Trước đó, hãng bảo mật Kaspersky Lab đã xác định mỗi tháng trung bình có 6.300 mẫu phần mềm độc hại trên thiết bị di động mới.

Hình thức lây nhiễm của virus trên điện thoại di động cũng tương tự virus trên máy tính. Lợi dụng nhu cầu tìm kiếm phần mềm nổi tiếng dành cho smartphone, hacker đã tạo ra những phần mềm giả mạo có chứa mã độc rồi đẩy lên các “chợ” ứng dụng không chính thống trên Internet, lừa người dùng tải về. Liên tiếp từ tháng 4/2012, các phần mềm như Instagram hay trò chơi Angry Birds đã bị virus núp bóng, mượn danh để tấn công người dùng.

“Ngoài ra, đa phần người sử dụng vẫn ngộ nhận rằng file văn bản (Word, Excel, PowerPoint) là loại file an toàn, không có virus. Đây chính là điều kiện “lý tưởng” để tội phạm phát triển một mạng lưới gián điệp,” phía Bkav cho biết.

Còn nhớ, tháng 8/2012 cũng đã xuất hiện một loại virus lây nhiễm vào các file thuộc ứng dụng văn phòng (Microsoft Office) và các file thực thi (.exe) nhằm đánh cắp thông tin từ máy tính người dùng.

Cũng theo thống kê của Bkav, trong năm 2012 có tới 2.203 website của các cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công (năm 2011 là 2.245).

Ngoài ra, hacker đang chuyển hướng tấn công virus máy tính từ Yahoo!Messenger sang Facebook bởi số lượng người dùng mạng xã hội này ngày một lớn. Hacker có thể ngụy tạo plugin của YouTube lừa người dùng tải về để xem video clip song thực chất là tải virus để phát tán đường link chứa virus tới danh sách bạn bè của nạn nhân. Các video thường là hình ảnh nhạy cảm của các ca sỹ, diễn viên hay cầu thủ nổi tiếng.

Cuối năm 2012 cũng đã xuất hiện hàng loạt nguy cơ mất an toàn an ninh thông tin trên thiết bị di động với hàng loạt vấn nạn như nghe lén, lừa đảo SMS, lừa đảo cước viễn thông qua cuộc gọi nhỡ. Hệ thống thống kê tin nhắn rác của Bkav cũng từng phát hiện trung bình mỗi ngày có tới 9,8 triệu tin nhắn rác được gửi tới điện thoại di động của người dùng tại Việt Nam.

Trước những nguy cơ ngày một hiện hữu, các chuyên gia cũng liên tục đưa ra khuyến cáo việc sử dụng phần mềm bảo mật đủ mạnh và quan trọng hơn là người dùng phải tự nâng cao ý thức của mình./.

Kỳ Dương (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục