Thị trường vàng: Đã có những cải thiện nhất định

Hơn một tuần sau khi hệ thống vàng miếng đi vào hoạt động, thị trường vàng trong nước bước đầu có thay đổi tích cực, song cũng bắt đầu xuất hiện dấu hiệu "lách luật."
Hơn một tuần sau khi hệ thống mua bán vàng miếng được cấp phép trên cả nước chính thức đi vào hoạt động, thị trường vàng trong nước đã có dấu hiệu thay đổi tích cực. Song bên cạnh đó, cũng nảy sinh một số vấn đề bất cập đòi hỏi cơ quan quản lý cần có sự điều chỉnh kịp thời.

Thành công bước đầu

Tín hiệu tích cực đầu tiên đáng ghi nhận là sự thu hẹp đáng kể khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới ở thời điểm trước và sau ngày 10/1. Từ 46,4 triệu đồng/lượng ngày 9/1 thì giá vàng SJC ngày 17/1 đã xuống hơn 1 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, đến ngày hôm nay (18/1) giá vàng lại tăng 400 đồng/lượng so với ngày 17/1 và được điều chỉnh liên tục. Tính đến 16 giờ 30 ngày 18/1 giá vàng được niêm yết ở mức 45,5 – 45,820 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, cho rằng vấn đề quan trọng nhất là quyền lợi mua bán vàng miếng của người dân được nhà nước bảo vệ khi họ giao dịch tại những điểm kinh doanh hợp pháp.

Theo ông Phú, trước đây, cửa hàng bán vàng miếng có thể xuất hiện trong bất kỳ ngõ nhỏ nào với bảng giá được ghi bằng vài nét chữ nguệch ngoạc, mua bán không có hóa đơn, là kẽ hở cho vàng giả, vàng nhái. Hoặc có hiện tượng một số cửa hàng vàng khi giá lên lại găm giữ vàng, không bán cho người dân.

Tuy nhiên, khi Nghị định 24 có hiệu lực, tất cả các đơn vị bán vàng miếng phải có bảng giá điện tử, phải xuất hóa đơn cho người dân. Điều này vừa giúp ngân sách không bị thất thu, vừa đảm bảo chất lượng vàng. Nghị định 24 cũng yêu cầu tất cả các đơn vị kinh doanh vàng phải chuẩn bị đầy đủ lượng vàng cung ứng cho người dân, không có quyền từ chối khách hàng. Do đó, việc mua bán của người dân cũng thuận lợi hơn. Việc được cung cấp hóa đơn cũng giúp người dân được đảm bảo quyền lợi khi có nhu cầu bán lại vàng.

Một số cửa hàng được phép kinh doanh vàng miếng tại Hà Nội như Bảo Tín Minh Châu, vàng Phú Quý, DOJI đều cho biết, trong tuần qua, giao dịch tại các cửa hàng này nhộn nhịp hơn trước vì đa số người dân đều biết đến quy định mới. Còn các cửa hàng không được cấp phép thì hầu như không có một bóng khách.

Còn đối với các ngân hàng được cấp phép kinh doanh vàng miếng, hầu như đã chuẩn bị rất kỹ. VietinBank là một trong 22 ngân hàng được cấp phép kinh doanh vàng miếng. Hiện nay Ngân hàng này đã chính thức triển khai dịch vụ mua, bán vàng miếng tại 12 Chi nhánh gồm: Hà Nội, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Thành phố Hồ Chí Minh, Chi nhánh 3, Tân Bình, Tuyên Quang, Yên Bái, Điện Biên, Lào Cai, Sơn La, Cần Thơ.

Để chuẩn bị cho việc kinh doanh vàng miếng có hiệu quả, VietinBank đã tiên phong đầu tư hệ thống công nghệ tiên tiến cho phép quản lý trạng thái toàn hệ thống tập trung tại trụ sở chính cũng như các trang thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ công tác kiểm tra, kiểm định vàng như: cân điện tử, máy đo tuổi vàng… Ngoài ra, VietinBank triển khai đào tạo nhân sự cho cán bộ trong hệ thống với giảng viên là các chuyên gia cao cấp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vàng tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC).

Theo khảo sát của phóng viên Vietnam+, một số người dân cũng cho rằng, nếu có nhu cầu mua vàng miếng chắc chắn sẽ phải mua tại địa chỉ uy tín bởi không thể bỏ số tiền lớn để mua “rủi ro” ở cửa hàng không tên tuổi.

Trên thực tế, hiện người dân mua bán vàng miếng tại các đơn vị cấp phép cũng hài lòng do được phục vụ chu đáo, tận tình, quyền lợi được đảm bảo với việc được cung cấp hóa đơn giao dịch bao gồm cả số seri của miếng vàng.

Vẫn còn nhiều bất cập

Tuy nhiên, sau hơn một tuần Ngân hàng Nhà nước siết chặt mạng lưới kinh doanh vàng miếng trên thị trường cũng đã bắt đầu xuất hiện một số bất cập nảy sinh đó là sự phân bổ không đồng đều các điểm giao dịch trên phạm vi cả nước.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nay cả nước có gần 2.500 điểm kinh doanh được cấp phép thì Hà Nội và Thành Hồ Chí Minh đã chiếm hơn một nửa với hơn 1.300 điểm giao dịch. Còn lại, phân bổ rộng khắp cả nước nhưng cũng chủ yếu tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn như Hải Phòng, Quảng Ninh, Cần Thơ...

Nhiều địa phương chỉ có từ hai đến bốn điểm giao dịch, tập trung tại trung tâm tỉnh, thành phố. Do đó, dẫn đến tình trạng tại nhiều nơi, đặc biệt tại các huyện, xã vùng sâu, vùng xa người dân muốn giao dịch vàng miếng phải vượt chặng đường hàng trăm km.

Ngoài ra, bên cạnh những ngân hàng khá hồ hởi được cấp phép kinh doanh vàng miếng, nhưng một số ngân hàng vẫn tỏ ra dè dặt với kênh mới này và không coi đây là nguồn thu đóng góp vào lợi nhuận mà chỉ nhằm mục đích ủng hộ chủ trương mua bán vàng miếng hợp pháp của Ngân hàng Nhà nước.

Một lãnh đạo ngân hàng chia sẻ, ngoại trừ những ngân hàng trước đây đã kinh doanh vàng, thời điểm này rất khó để huy động ngân hàng quốc doanh tham gia. Bởi các ngân hàng quốc doanh có quá nhiều khách hàng, quá nhiều mục tiêu, kinh doanh vàng chưa phải là đích họ hướng tới trong thời gian này.
 
Một điểm mấu chốt khiến nhiều ngân hàng không kỳ vọng tăng lợi nhuận từ lĩnh vực kinh doanh này là quy định của Ngân hàng Nhà nước về trạng thái vàng. Do lo ngại các ngân hàng sẽ tận dụng quy mô mạng lưới của mình để đầu cơ vàng, chi phối giá vàng, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 38 quy định về trạng thái vàng của các tổ chức tín dụng. Theo đó, các ngân hàng được cấp phép phải đảm bảo trạng thái vàng cuối ngày không được vượt quá 2% so với vốn tự có và không được duy trì trạng thái vàng âm.

Giải thích vấn đề này, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Ngoại hối chia sẻ, đúng là trong số các ngân hàng được cấp phép thì có ngân hàng tự nguyện nhưng cũng có nhà băng phải thực hiện theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước để thực hiện mục tiêu chính sách. Nhóm mới vào, bước đầu có một số điểm giao dịch lúng túng vì giá vàng biến động rất nhiều lần trong ngày. Chính vì vậy, với những ngân hàng mới “chập chững” thâm nhập thị trường thì khó tránh khỏi sự lúng túng.
 
Ông Huy nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước cũng đã đi kiểm, tuy nhiên cũng cần phải có thời gian để các ngân hàng này làm quen dần dần. Một vài điểm Ngân hàng Nhà nước sẽ chấn chỉnh để làm cho tốt hơn.

Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần khẩn trương triển khai những bước đi tiếp theo nhằm từng bước xóa bỏ những "vùng trắng" kinh doanh vàng miếng. Ngân hàng Nhà nước cũng cần có những quy định khuyến khích, kèm theo đó là chế tài bắt buộc các tổ chức tín dụng được cấp phép kinh doanh vàng miếng phải đầu tư thiết lập mạng lưới tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, coi đây như một trong những nghĩa vụ và trách nhiệm của mình để tránh tình trạng một số ngân hàng xin cấp phép nhưng chỉ đầu tư ở các thành phố lớn.

Ngoài ra, cũng chính vì mạng lưới bị thu hẹp đáng kể, cho nên những ngày gần đây, thị trường xuất hiện các loại vàng trang sức mang dáng dấp vàng miếng, thí dụ như loại nhẫn đóng vỉ có đóng dấu ký hiệu, tên thương hiệu, niêm phong, đủ tiêu chuẩn vàng bốn số 9, và được giao dịch gần bằng giá vàng miếng SJC. Mặt hàng này do không phải là vàng miếng nên không bị hạn chế điểm giao dịch, người dân có thể mua bán tại bất kỳ điểm kinh doanh vàng nhỏ lẻ nào.

Ông Huy cho biết, Ngân hàng Nhà nước cũng đã kiểm tra trên hệ thống, số lượng sản xuất và tiêu thụ chưa lớn chỉ khoảng vài trăm lượng trên cả nước. Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi tiếp và nếu cần sẽ có cảnh báo. Ngân hàng Nhà nước cũng là nơi cấp giấy phép nhập khẩu cho các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, nếu như những doanh nghiệp này mà kê khai sản xuất vàng nhẫn 5 chỉ thì đương nhiên là họ có dấu hiệu lách chính sách. Lúc đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ có những biện pháp xử lý thích đáng./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục