Lạm phát ở mức dưới hai con số không quá khó

Theo một số chuyên gia, mục tiêu kiềm chế lạm phát của Việt Nam dưới 2 con số trong năm 2009 không quá khó, song vẫn cần sự thận trọng trong điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô để tránh lạm phát cao quay trở lại. Mức lạm phát thực tế còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là chính sách tiền tệ và tài chính của Chính phủ.
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Thị trường giá cả Học viện Tài chính, nhận định mục tiêu kiềm chế lạm phát của Việt Nam dưới 2 con số trong năm 2009 không quá khó, song vẫn cần sự thận trọng trong điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô để tránh lạm phát cao quay trở lại.

Đây cũng là nhận định của một số chuyên gia kinh tế tại hội thảo "Phân tích diễn biến thị trường, giá cả 6 tháng đầu năm và dự báo 6 tháng cuối năm 2009" do Viện Nghiên cứu khoa học Thị trường giá cả tổ chức ngày 16/7, tại Hà Nội.

Lạm phát ở mức một con số là khả thi

Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại, Dịch vụ và Giá cả (Tổng cục Thống kê), chính sách tiền tệ, tài chính tại Việt Nam đang được nới lỏng hơn, nhưng cần có sự kiểm soát chặt chẽ, thận trọng theo sự biến động của thị trường để chủ động ngăn chặn nguy cơ lạm phát có thể tăng cao trở lại sau giai đoạn kích cầu.

Các bộ, ngành chức năng cần theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường thế giới và trong nước, nhất là các mặt hàng như: dầu thô, xăng dầu, thép xây dựng, lương thực và thực phẩm để kịp thời điều hành, tránh để tăng giá bất hợp lý.

Ông Thắng nhấn mạnh: "Việc điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu theo cơ chế thị trường cũng cần có lộ trình, tránh 'gây sốc' cho thị trường...".

Việc điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thời gian qua đã khiến nhiều mặt hàng tăng giá theo, gây áp lực lên mặt bằng giá.

Theo ông Vũ Đình Ánh, sau 5 lần tăng giá xăng liên tiếp từ đầu năm đến nay, đến giữa tháng 7/2009, xăng A92 đã tăng tới 29% so với đầu năm và tác động trực tiếp đến tăng chi phí sản xuất tiêu dùng. Tuy nhiên, mức tăng này sẽ chỉ làm giảm tốc độ GDP khoảng 0,05 - 0,07% và làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 0,25 - 0,3%. Nghĩa là không ảnh hưởng nhiều tới khả năng kiềm chế lạm phát ở mức một con số cho cả năm.

Hiến kế


Theo Phó Vụ trưởng-Vụ Tài chính Tiền tệ (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) Phan Thanh Hà, lạm phát 6 tháng cuối năm 2009 được dự báo có xu hướng tăng. Với mức tăng 2,68% trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ đã trình Quốc hội giảm chỉ tiêu lạm phát đã được phê duyệt từ đầu năm cho năm 2009 xuống còn dưới 10% và đề ra mức phấn đấu là 7%.

Tuy nhiên, mức lạm phát thực tế còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là chính sách tiền tệ và tài chính của Chính phủ.

Bà Hà nhấn mạnh: Nhiệm vụ kiềm chế lạm phát đặt ra cho năm 2009 khó hơn năm 2008 vì phải vừa đảm bảo mục tiêu kích cầu đầu tư, tiêu dùng để phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu, vừa phải kiềm chế lạm phát.

Để giải quyết vấn đề này, chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các khoản cho vay ngắn hạn bằng tiền Việt Nam vẫn cần tiếp tục thực hiện vì chấm dứt sớm sẽ có tác động không tốt về mặt tâm lý. Tuy nhiên, cần xem xét thời điểm ngừng thực hiện đối với cho vay trung và dài hạn. Chính sách này làm tăng tổng mức tín dụng và lượng tiền đưa ra lưu thông cần được trung hòa bằng các công cụ tiền tệ…

Mặc dù phó giáo sư Đinh Xuân Hạng (Học viện Tài chính) dự báo lạm phát năm nay không vượt qua 2 con số, nhưng nguy cơ lạm phát cao trở lại từ nay đến cuối năm là rất lớn. Dự báo lạm phát cả năm 2009 từ 7,5 - 8% (6 tháng đầu năm ở mức thấp 2,68%).

Ông Hạng đã "hiến kế", để kiểm soát lạm phát ở mức thấp là tập trung kiểm soát kinh tế vĩ mô. Các bộ, ngành cần tăng cường theo dõi, dự báo kịp thời, cải cách công tác thống kê từ đó đề xuất sáng kiến đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Ngoài ra, việc kiểm tra, giám sát để đảm bảo tính minh bạch của gói kích cầu hỗ trợ lãi suất của Chính phủ cũng là giải pháp quan trọng trong việc kiềm chế lạm phát.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội: Nếu thiếu kiểm soát và sử dụng không hiệu quả gói kích cầu có thể sẽ gây ra những hệ lụy tiêu cực như làm thất thoát, lãng phí các nguồn vốn vay; gia tăng các hiện tượng tham nhũng, do sự "bắt tay" giữa các ngân hàng với các doanh nghiệp trong việc lập các dự án vay ảo để chiếm đoạt vốn hỗ trợ từ gói kích cầu...

Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục triển khai "kích cầu" có trọng tâm, đặc biệt coi trọng công tác thông tin, giám sát từ xa, giám sát sau khi cho vay tiền để đầu tư./.
(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục