Duyệt đề án đổi mới đào tạo văn học nghệ thuật

Thủ tướng vừa ký Quyết định phê duyệt đề án "Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo các trường văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2011-2020.”
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định phê duyệt đề án "Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo của các trường văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2011-2020.”

Theo đề án từ nay đến năm 2020 sẽ hình thành mạng lưới bảy cơ sở đào tạo trọng điểm chất lượng cao về văn hóa nghệ thuật; đầu tư sáu cơ sở đào tạo ngang tầm các trường tiên tiến trong khu vực (mỗi lĩnh vực có một cơ sở đào tạo về văn hóa, âm nhạc, sân khấu-điện ảnh, mỹ thuật, múa và xiếc).

Mục tiêu của đề án này còn hướng tới mục tiêu hoàn chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường văn hóa nghệ thuật, đảm bảo sự hợp lý về quy mô đào tạo, cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo, phân bổ vùng, miền, địa phương, tính đặc thù của chuyên ngành đào tạo, phù hợp với chủ trương xã hội hóa giáo dục và định hướng chiến lược của việc phát triển hệ thống giáo dục Việt Nam...

Đề án đã đưa ra một số giải pháp chủ yếu; trong đó có việc đầu tư xây dựng mới cơ sở nghiên cứu, đào tạo ở các vùng, miền, trên cơ sở xác định nhu cầu phát triển văn hóa nghệ thuật, có sự cân đối theo vùng, miền; hình thành cơ sở đào tạo trọng điểm cho từng lĩnh vực đào tạo, xây dựng hệ thống tiêu chí về các cơ sở đào tạo trọng điểm, chất lượng cao của ngành văn hóa nghệ thuật và nghiên cứu xác định các chính sách, cơ chế hỗ trợ của Nhà nước đối với các cơ sở đào tạo trọng điểm chất lượng cao.

Bên cạnh đó, nội dung đề án cũng đề cập đến việc đổi mới, phát triển chương trình, giáo trình và phương pháp đào tạo gắn với nhu cầu thực tiễn và từng bước tiếp cận các chuẩn mực quốc tế; bổ sung chương trình đào tạo các chuyên ngành mới về nghệ thuật nhằm đáp ứng yêu cầu xã hội như đạo diễn chương trình ca nhạc, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy biểu diễn, quản lý nghệ thuật, sáng tác kịch hát dân tộc, diễn viên biểu diễn thời trang, diễn viên biểu diễn tạp kỹ, diễn viên đóng thế, kỹ thuật viên âm thanh ánh sáng...

Một giải pháp khác nhằm phát triển văn hóa nghệ thuật là có chính sách hỗ trợ chi phí tuyển sinh các ngành năng khiếu nghệ thuật hàng năm, đặc biệt là việc tuyển sinh ở các vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi dân tộc thiểu số; hỗ trợ chi phí tốt nghiệp cho sinh viên các ngành nghệ thuật âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, múa, xiếc, để bảo đảm chất lượng tốt nghiệp đang đánh giá theo hình thức thông qua tác phẩm nghệ thuật.

Bên cạnh đó, cần xây dựng chính sách khuyến khích nhân tài (nghệ nhân Nhân dân, nghệ nhân Ưu tú, nghệ sỹ Nhân dân, nghệ sỹ Ưu tú, chuyên gia) tham gia công tác đào tạo, huấn luyện ở các cơ sở đào tạo nhằm thu hút, sử dụng nhân tài nghệ thuật ở quy mô quốc gia, tránh sự mất cân đối về phát triển văn hóa nghệ thuật giữa các vùng, miền./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục