Cần môi trường thông thoáng hơn cho doanh nghiệp tư nhân

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền, trước những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu , 8 nhóm giải pháp Chính phủ Việt Nam đưa ra nhằm kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội đã mang lại hiệu quả.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền, trước những  tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu , 8 nhóm giải pháp Chính phủ Việt Nam đưa ra nhằm kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội đã mang lại hiệu quả.

Tuy nhiên, tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng đã khiến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chậm lại, xuất khẩu giảm; nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, người lao động không có việc làm... Do vậy,
Nhà nước cần có quyết sách kịp thời để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, hạn chế tác động tiêu cực tới Việt Nam.

Phát biểu này được đưa ra tại hội thảo "Khủng hoảng tài chính toàn cầu: Thách thức và cơ hội đối với Việt Nam" diễn ra ngày 9/1 tại Hà Nội do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức với sự tham dự của một số Quỹ đầu tư trong và ngoài nước, các công ty chứng khoán của Việt Nam.

Ông Jerome Buzenet, Đại diện cố vấn Luật cấp cao thuộc Công ty Luật quốc tế cho rằng Việt Nam cần tập trung duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới để tránh những thất bại nặng nề đối với các kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Việt Nam cũng có thể làm giảm thiểu tác động của các vấn đề bên ngoài bằng cách kích thích sự tăng trưởng trong nước, đặc biệt cần một môi trường thông thoáng hơn cho các doanh nghiệp tư nhân.

Theo ông Jerome Buzenet, tất cả những điều này sẽ góp phần làm cho nền kinh tế Việt Nam vững mạnh,
được hưởng lợi ích cao nhất từ những gì mà đầu tư, thương mại và cấp vốn nước ngoài có thể mang lại, giảm sự lệ thuộc vào các thị trường nước ngoài, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh đối với các nền kinh tế đang phát triển. 

Để thị trường tài chính Việt Nam ổn định, theo ông Dominic Scriven, Giám đốc Công ty Dragon Cappital Group Ltd, Việt Nam hiện có 3 vấn đề cần giải quyết là: vay của nhà nước có thể thay thế được vay của tư nhân hay không; lạm phát hay giảm phát; thị trường tự do hay điều tiết. Muốn giải quyết được, Việt Nam cần thực hiện 4 giải pháp là huy động vốn trong nước một cách hiệu quả; chính sách tiền tệ phải được quyết định hoàn toàn bởi ngân hàng nhà nước; chính sách lãi suất phải ổn định, nhất quán, tránh tạo sốc cho thị trường; cần điều chỉnh theo hướng đấu giá lãi suất... 

Ông Tô Hải, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán Bản Việt cho rằng hầu hết các doanh nghiệp tồn tại được trong năm 2008 là do nguồn vốn huy động từ thị trường chứng khoán trong năm 2007 và đều là những doanh nghiệp lớn. Những doanh nghiệp vừa và nhỏ không huy động được vốn nên gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng, bởi vậy Nhà nước cần nghiên cứu việc xem xét lại phương pháp hiện hành và sửa đổi các văn bản pháp luật để cho phép việc chào bán ra công chúng với một mức giá cố định, bổ nhiệm các nhà tư vấn chuyên môn cho thị trường, bao gồm các nhà đầu tư chiến lược, xác định giá trị hợp lý.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục