Sao ngoại trước thềm mùa giải V-League 2010

Những ngôi sao đáng xem nhất, “Vua phá lưới” hay các danh hiệu tương tự ở V-League mấy năm qua đều thuộc về người nước ngoài.
Những ngôi sao đáng xem nhất, “Vua phá lưới” hay các danh hiệu tương tự ở V-League mấy năm qua đều thuộc về người nước ngoài.

Ai đáng xem nhất?

Leandro, Aniekan (Ximăng Hải Phòng), Philani (Becamex Bình Dương) hay Lee Nguyễn (Hoàng Anh Gia Lai)? Họ đã là những ngôi sao sáng nhất ở V-League 2009 và danh hiệu Cầu thủ ngoại xuất sắc nhất (còn đang rục rịch tổ chức), nếu không bất ngờ, sẽ thuộc về một trong bốn cái tên ở trên. Có thể, họ sẽ vẫn là những người xuất sắc nhất ở mùa 2010.

Aniekan đã là bậc thầy trong giữ nhịp trận đấu và sốc tinh thần đồng đội, từ khoảng 2-3 mùa V-League đổ lại. Cầu thủ đất võ kháo nhau rằng, chính Aniekan đã hất cẳng Issawa khỏi Bình Định, cách đây vài năm. Từ Thành phố Hồ Chí Minh (tiền thân là Thép Miền Nam Cảng Sài Gòn), đến Cao su Đồng Tháp và bây giờ là Ximăng Hải Phòng, Aniekan luôn là số 1.

Theo Minh Châu - người chơi cạnh Aniekan ở tuyến 2 của Ximăng Hải Phòng, thừa nhận Aniekan chơi tốt hơn cả Leandro - cầu thủ nổi tiếng với kỹ năng đá phạt, sút xa và chuyền bóng thành bàn bằng chân thuận (chân trái).

Nhưng Ximăng Hải Phòng của Aniekan và Leandro vẫn thường thiếu ổn định. T&T Hà Nội của Francois cũng thế, còn Đồng Tâm Long An với Antonio lại đề cao tính đồng đội.

Đó là lý do khiến những người am tường bóng đá hướng về Becamex Bình Dương và Hoàng Anh Gia Lai, nơi có 2 ngôi sao khác là Philani và Lee Nguyễn. Có thể đội bóng của họ sẽ không đòi lại được ngôi vương (từ tay SHB Đà Nẵng của Nguyễn Rogerio, một cầu thủ rất đáng xem khác), nhưng đây sẽ là mùa bóng của một trong hai cái tên này, hoặc thậm chí cả hai.

Vẫn là “Vua” ngoại?

Kể từ sau cái tên Hồ Văn Lợi (mùa giải 2001-2002), V-League qua 9 năm chạy thử không còn chứng kiến bất cứ một tiền đạo nội nào trên bục danh hiệu “Vua phá lưới” nữa. Trong quá khứ, chúng ta có các “Vua phá lưới nội” như Ngọc Linh (2005), Ngọc Thanh (2008) và Công Vinh (2009)… nhưng số bàn thắng luôn chỉ bằng hoặc nhỉnh hơn 2/3 so với các tiền đạo ngoại. Có thể năm nay cũng không là ngoại lệ, với ngôi “Vua phá lưới” sẽ lại là cái tên nước ngoài nào đó.

Người ta đã và đang nhắc đến nhiều những cái tên như Gaston Merlo (SHB Đà Nẵng), Lazaro (Ximăng Hải Phòng), 2 đồng “Vua phá lưới” V-League 2009, với 15 bàn; Samson (Cao su Đồng Tháp), bộ đôi sát thủ Kesley Huỳnh Alves và Elenildo (Becamex Bình Dương, năm 2005 và 2006), Martins Trindade (NaviBank Sài Gòn), Antonio (Đồng Tâm Long An), Evaldo (Hoàng Anh Gia Lai)… rồi mới đến Công Vinh (T&T Hà Nội), Quang Hải (Khatoco Khánh Hòa), Đình Tùng (Lam Sơn Thanh Hóa) hay Việt Thắng, Sỹ Mạnh ở Vissai Ninh Bình.

Ngoại trừ Elenildo (2006) hay Lazaro (2009), thường những “Vua phá lưới” vẫn thuộc biên chế của các đội bóng mạnh. Tố chất tiên quyết làm nên một “Vua phá lưới” là “sát bóng” và kỹ năng ghi bàn. Giới chuyên môn gọi đó là “bản năng sát thủ”.

Tuy nhiên, không phải tiền đạo nào cũng sở hữu điều đó. Khi Lazaro đã đánh mất cái duyên ghi bàn, Kesley Huỳnh Alves già đi trông thấy, cả Elenildo và Amaobi đều không chắc suất đá chính ở Becamex Bình Dương, ngôi vị này sẽ là sự tranh chấp của Evaldo và đặc biệt là Gaston Merlo./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục