Xuất hành đầu năm

Xuất hành đầu năm: Những chuyện dở khóc dở cười

Xuất hành đầu năm được nhiều người dân đặc biệt coi trọng, nhưng xung quanh phong tục này vẫn có nhiều chuyện dở khóc dở cười.
Đầu năm mới, cùng với các tục xông đất, mở hàng thì tục xuất hành cũng được người dân đặc biệt coi trọng.

Trong các gia đình Việt, đặc biệt là với những gia đình kinh doanh, người ta đều chọn ngày, kén giờ, tìm hướng để xuất hành. Nhưng xung quanh vấn đề xuất hành đầu năm vẫn có nhiều câu chuyện dở khóc dở cười.

Khóc, cười dang dở

Trong quan niệm truyền thống của người Việt, Tết Nguyên đán được coi là dịp lễ quan trọng nhất trong năm với những truyền thống lâu đời cùng nhiều giá trị tinh thần được gìn giữ qua bao thế hệ. Tết là khởi nguồn cho một chu trình mới, ai ai cũng mong mọi sự tốt lành.

Chị Nguyễn Thị Lan (Hà Đông, Hà Nội) mấy hôm nay thấp thỏm lo lắng. Nguyên nhân chính bởi trước đó, được mấy chị em trong cơ quan rủ đi xem bói, chị được thầy “phán”: Năm nay muốn mọi việc hanh thông, chị không được xuất hành trước ngày mồng 3 Tết.

“Nghe thầy nói thế, tự dưng mình cũng thấy lo. Vì đầu năm phải kiêng cữ nên không thể coi thường,” chị Lan phân bua.

Thế là, để chọn đúng giờ xuất hành tốt, chị Lan quyết định thay đổi toàn bộ lịch trình đi chơi Tết của mình. Do lấy chồng xa nhà, chị bàn với cả gia đình lùi ngày về quê ngoại chúc năm mới sau ngày mồng 3 Tết. “Ngay cả việc thăm hỏi anh em họ hàng ở gần chắc tôi cũng phải tạm gác lại để sau,” chị Lan chán nản.

Cũng giống như chị Lan, chị Hoàng Thị Vân (Định Công, Hà Nội) cũng mất ăn mất ngủ vì chọn giờ xuất hành đúng tuổi. Theo lời thầy bói, chị phải bước ra khỏi nhà theo hướng Đông Nam vào đúng ngày mồng 1. Thế nhưng, khổ nỗi, nhà chị ở chung cư, cửa hướng ra hướng Tây nên chị vẫn chưa biết tính thế nào.

“Xuất hành ở chung cư thì không thể nào chọn hướng. Tôi đang định nhờ thầy về cúng bái giải hạn xuất hành đầu năm,” chị Vân tâm sự.

Đừng nên máy móc!

Nghe câu chuyện xuất hành của các gia đình, sư thầy Thích Nguyên Toàn, trụ trì chùa Tảo Lâm (Sóc Sơn, Hà Nội) lắc đầu cười. Thầy bảo: "Mọi người máy móc quá!"

Nhiều nhà văn hóa cũng như các chuyên gia phong thủy, ý nghĩa của việc xuất hành đầu năm đang bị nhiều người hiểu sai. Sư thầy Thích Nguyên Toàn cho rằng theo phong tục, xuất hành nhằm cầu may mắn cho cả năm với hy vọng công việc hanh thông, gia đình hạnh phúc.

“Vì vậy, theo quan niệm, ngày mồng 1 là ngày đại cát tường. Phong tục từ ngàn đời vẫn coi đây là ngày đẹp nhất để xuất hành,” sư thầy cho hay.

Bên cạnh đó, sư thầy nhấn mạnh: “Đạo Phật không có chủ trương xem ngày giờ tốt xấu. Phật giáo quan niệm rằng tùy thuộc nghiệp nhân thiện hay ác trong quá khứ và hiện tại của mỗi cá nhân mà tác thành nghiệp quả tốt hay xấu của chính họ trong tương lai. Việc tin vào ngày, giờ tốt xấu là theo tín ngưỡng dân gian.”

Ngay cả về hướng, theo sư thầy Thích Nguyên Toàn, chỉ cần hợp hướng nào thì xuất hành hướng đó chứ không nhất thiết phải câu nệ.

Thậm chí, theo sư thầy, ở nhiều địa phương, đầu năm mới, người ta thường xuất hành đi thăm cảnh chùa, mua bật lửa, mua diêm để cầu may mắn, mang hơi ấm, ánh sáng về nhà.

Khi xuất hành, đa số người dân chọn hướng có Hỷ Thần vì họ quan niệm đây là vị thần mang lại nhiều may mắn và niềm vui, hạnh phúc. Còn những người thích cầu tài cầu lộc lại chọn hướng có Tài Thần để họ được nhận nhiều tài, lộc trong năm. Mọi người đều cố gắng để tránh hướng có Hạc Thần, một vị thần ác thường mang lại những điều không tốt lành

Trong quan niệm truyền thống, nếu xuất hành vào ngày mồng 1 Tết, mọi người thường xuất hành theo hướng Đông (Tài Thần) hoặc hướng Nam (Hỷ Thần).

Tuy nhiên, “chỉ cần trong tâm hướng tới cái thiện cũng như không làm điều gì ác thì may mắn sẽ đến với gia chủ trong cả năm,” sư thầy khẳng định.

Bởi vậy, sư thầy cho hay, dịp Tết Quý Tỵ, bên cạnh ngày mồng 1 thì các ngày mồng 6, mồng 9 và ngày 10 tháng Giêng là những ngày tốt lành để xuất hành, khai trương, mở hàng, ký kết đầu năm.

Trong khi đó, Giáo sư sử học Đinh Xuân Lâm cho biết, tục xuất hành được áp dụng với từng cá nhân và từ lâu đã trở thành nét văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Người dân có quan niệm xuất hành để lấy may, lấy lộc và tránh điều không tốt. Thường khi thực hiện tục này, người ta chú ý đến giờ và hướng xuất hành. Hướng hợp với năm và giờ hợp với tuổi từng người nên ai cũng chọn giờ lành, hướng tốt để đi.

“Đây là một nét văn hóa đẹp nhưng chúng ta cần hiểu và vận dụng một cách hết sức linh hoạt để đảm bảo một năm mới tươi vui,” Giáo sư Lâm khẳng định./.

Phương Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục