Thách thức trong mục tiêu phát triển con người VN

Nhiều thách thức về khả năng tiếp cận các nguồn lực hay phân phối nguồn lực và năng lực tích lũy vốn con người còn yếu.
Theo nghiên cứu của Cơ quan phát triển Liên hợp quốc, 3 năm gần đây, thứ hạng về chỉ số phát triển con người HDI của Việt Nam thấp hơn của Trung Quốc và Philipines khoảng 20 bậc, thấp hơn Thái Lan 30 bậc, Malaysia 40 bậc, đặc biệt thấp hơn Hàn Quốc và Singapore gần 80 bậc.

Thạc sĩ Trần Đức Hiệp, Trường đại học Kinh tế - đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, thách thức phát triển con người Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn.

Nhiều thách thức về hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thấp; khả năng tiếp cận các nguồn lực hay phân phối nguồn lực còn chưa hiệu quả và bình đẳng; năng lực tích lũy vốn con người còn yếu. Quá trình tăng trưởng kinh tế chưa khuyến khích mở rộng các cơ hội việc làm cho người dân.

Ngoài ra, quá trình tăng trưởng kinh tế tới đây phải tính đến một số các rào cản như khả năng tăng cường liên kết xã hội dựa trên nền tảng chung của văn hóa dân tộc còn yếu; mức độ tham gia của dân chúng vào các quyết định của chính phủ nhất là với các dự án công còn hạn chế; yếu tố môi trường cũng chưa tính đến đầy đủ trong một chiến lược tăng trưởng vì cả các thế hệ tương lai... Những thách thức này sẽ là những định hướng chính sách quan trọng của Việt Nam trong thời gian tới.

Việc nâng cao chất lượng tăng trưởng sẽ là phương cách tăng trưởng hướng đến sự phát triển con người một cách bền vững nhất. Ở một khía cạnh khác, khu vực kinh tế nhà nước với tư cách là khu vực kinh tế "chủ đạo", sẽ thiếu đi năng lực để đảm bảo cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản, các dịch vụ công cho mọi người dân. Việc này thể hiện ở tình trạng kém hiệu quả trong các hoạt động dầu tư của khu vực kinh tế nhà nước, nhất là các hoạt động đầu tư công.

Theo tính toán, để tăng 1 đồng tổng sản phẩm quốc nội (GDP), khu vực nhà nước đã phải đầu tư 4,47 đồng năm 2006 và 3,53 đồng năm 2007. Trong khi đó bình quân 3 năm gần đây, để tạo ra 1 đồng GDP, nếu tính chung toàn bộ nền kinh tế chỉ cần đầu tư khoảng 2,82 đồng. Rõ ràng, để tạo môi trường phát triển tốt hơn cho người dân, nhà nước có thể bắt đầu bằng việc nâng cao hiệu quả đầu tư, nhất là các hoạt động đầu tư công.

Dưới góc độ phát triển con người, phân bổ nguồn lực bình đẳng hay mở rộng khả năng tiếp cận nguồn lực cho tất cả mọi người là nền tảng đảm bảo sự hiệu quả và bình đẳng trong phát triển.

Tuy nhiên, việc phân phối các nguồn lực vẫn tỏ ra chưa thực sự công bằng, hiệu quả. Khu vực kinh tế nhà nước nhận được nhiều ưu đãi, nhất là về tín dụng và cũng là nơi thực hiện hầu hết các dự án đầu tư công mặc dù hiệu quả đầu tư thấp.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, cuối năm 2007, nợ của 70 tập đoàn và các tổng công ty đã lên tới 28 tỷ USD, tương đương 40% GDP. Trong khi đó khu vực kinh tế tư nhân còn gặp nhiều khó khăn cho dù đây là khu vực tạo ra phần lớn việc làm và là động lực tăng trưởng kinh tế giai đoạn vừa qua.

Vì vậy, việc mở rộng cơ hội tiếp cận các nguồn lực, cơ hội kinh doanh trên nguyên tắc cạnh tranh sẽ là cơ sở đảm bảo tăng trưởng kinh tế, một quá trình tăng trưởng có chất lượng và thực sự hướng tới mục tiêu phát triển con người.

Thực tiễn ở Việt Nam trong thời gian qua cho thấy, năng lực tích lũy vốn con người còn khá thấp, phản ánh ở chất lượng nguồn nhân lực. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo chỉ chiếm khoảng 30% lực lượng lao động. Gần 80% lao động trẻ có độ tuổi từ 20 - 24 chưa được đào tạo nghề. Đa phần các doanh nghiệp thường phải đào tạo lại lao động khi sử dụng.

Chất lượng lao động thực sự thấp khi năng suất lao động xã hội ước tính chỉ đạt khoảng 1.600 USD/lao động/năm, thấp hơn nhiều so với mức năng suất bình quân của thế giới là 14.600 USD. Như vậy, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mở rộng năng lực tích lũy vốn con người rõ ràng là một trong những "nút thắt" cần được ưu tiên giải quyết. Vấn đề này đòi hỏi những cải cách mạnh mẽ trước hết từ các lĩnh vực y tế và giáo dục.

Thu nhập là một trong những lựa chọn then chốt để người dân có phương tiện đảm bảo sinh kế và nâng cao năng lực lựa chọn của mình. Các cơ hội việc làm mang lại thu nhập ổn định cho người dân là một trong những ràng buộc quan trọng hướng các quá trình tăng trưởng vì mục tiêu con người.

Tăng trưởng kinh tế dựa trên việc mở rộng nguồn vốn con người, tạo ra nhiều việc làm, nhất là những việc làm đòi hỏi chất lượng lao động cao, đang là mô thức tăng trưởng được ưu tiên lựa chọn. Việc mở rộng các cơ hội việc làm thực sự sẽ là cầu nối quan trọng giữa tăng trưởng với phát triển con người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục