Prudence Cup: "Chắp cánh" giấc mơ tennis Việt

Nỗ lực tổ chức Giải quần vợt thanh thiếu niên toàn quốc hàng năm cho các tay vợt trẻ để phát hiện và nuôi dưỡng tài năng có thể coi là một điều phi thường.
Nỗ lực tổ chức Giải quần vợt thanh thiếu niên toàn quốc (Prudence Cup) hàng năm cho các tay vợt trẻ trong độ tuổi từ dưới 10 tới dưới 18 để phát hiện và nuôi dưỡng tài năng có thể coi là một điều phi thường.

Bởi lẽ, tennis không như bóng đá, không thể xây nhà từ nóc trong bất cứ trường hợp hay thời kỳ nào, mà phải bắt đầu từ nền móng. Rất hiếm các gia đình có thể tự xây và Việt Nam chưa có học viện tennis nào được gây dựng bởi các ngôi sao thế giới đã về hưu như trên thế giới.

Prudence Cup 2009 ở Huế mới đây là lần thứ 7 được tổ chức và cũng là năm thứ 3 kể từ khi chiến lược đầu tư cho quần vợt trẻ Việt Nam chuyển sang giai đoạn tập trung vào trọng tâm.

Giải quy tụ những tay vợt trẻ tiềm năng trên khắp mọi miền tổ quốc và giải cũng là cuộc sàng lọc khắt khe nhất để tìm ra những gương mặt triển vọng nhất. Lớp vận động viên triển vọng của tennis Việt Nam phần nào đó được hình thành từ đây.

Cụ thể, năm nay, người ta đã thấy được những vận động viên có những tố chất hứa hẹn, như ở nam có Đắc Tiến, Minh Thịnh (U10);  Lý Hoàng Nam (U12); Hồ Huỳnh Đan Mạch (U14), hay ở nữ có Tiffani Nguyễn, Lâm Phan Phương Khanh (U10), Phạm Thủy Thương (U12); Sĩ Bội Ngọc, Từ Kim Ngân (U14).

Hầu hết những gương mặt trẻ nói trên đều bộc lộ năng khiếu, tiếp cận khá sớm với kỹ thuật và lối đánh hiện đại.

Nhưng, sẽ không chỉ dừng ở đó. Giải đấu mới tổ chức chỉ là một phần trong quy trình và chiến lược đưa tennis Việt Nam vươn lên từ mặt bằng khá thấp như hiện nay mà  các nhà tài trợ và tổ chức ấp ủ và đã thực hiện trong mấy năm qua: tổ chức các khóa tập huấn tập trung tại nước ngoài cho nhóm vận động viên tiềm năng được lựa chọn qua hệ thống giải, giúp các em có cơ hội được tập luyện và cọ xát với các vận động viên ngoại và môi trường chuyên nghiệp hơn, hoặc gửi tới những cường quốc tennis để trui rèn.

2 gương mặt vận động viên triển vọng Trần Nam Sơn (Hà Nội) và Nguyễn Ngọc Minh (Thành phố Hồ Chí Minh) đã đi tập huấn chuyên sâu 1 năm (từ tháng 6/2008) tại Trung tâm quần vợt Cornella International Tennis Centre, Tây Ban Nha.

Tới đây, Liên đoàn tennis Việt Nam sẽ phối hợp với Trung tâm đào tạo quần vợt Tây Ban Nha đánh giá khả năng phát triển quần vợt của 2 vận động viên sau khi kết thúc 1 năm tập luyện. Quỹ Prudence và Liên đoàn sẽ căn cứ vào kết quả đánh giá tổng quan để đưa ra định hướng  đào tạo cho vận động viên trong thời gian tiếp theo.

Cũng phải kể tới một tay vợt khác nữa, một tiềm năng hứa hẹn là vận động viên Lê Nguyễn Thùy Trang, đã và đang theo học tại Mỹ trong một thời gian khá dài. Thùy Trang được “nhặt” ra từ giải tennis thanh thiếu niên toàn quốc trước đây và đưa đi du học (từ năm 2007). 

Năm 2009, trường Đại học Washburn (Mỹ) cấp học bổng toàn phần cho Trang vừa học văn hóa vừa được đào tạo quần vợt chuyên nghiệp ở mức cao hơn. Đội tuyển quần vợt của Trường hội tụ nhiều tay vợt có đẳng cấp. Trang đã thi đấu rất thành công, tính tới thời điểm này trong năm, có thành tích 19 trận thắng và thua 4, được xếp hạng 38/1266 nhóm II - Nữ do Hiệp hội Thể dục Thể thao toàn quốc (NCAA) xếp hạng.

Đặc biệt hơn nữa, Trang vừa nhận được danh hiệu vận động viên giá trị nhất của năm - Most valuable player do MIAA bình chọn. Nếu tiếp tục thi đấu thành công như những thành tích vừa đạt được, Trang sẽ được chuyển lên nhóm I - Nữ của Hiệp hội NCAA và sớm trở thành vận động viên chuyên nghiệp của Hiệp hội quần vợt nhà nghề.

Rất có thể, với thành công ở giải năm nay, tennis Việt Nam sẽ tìm ra được những tài năng trẻ mới và đi theo con đường của Lê Nguyễn Thùy Trang./.
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục