"Chứng khoán thế giới phục hồi mong manh"

Các nhà đầu tư tại tất cả các thị trường đều dự đoán một quý III thuận lợi hơn, tuy nhiên, theo tờ "Le Monde", sự phục hồi này rất mong manh.
Các chỉ số chứng khoán trên thị trường thế giới liên tục vượt ngưỡng một cách đặc biệt. Giữa tuần trước (ngày 9/9), chỉ số giao dịch chứng khoán FTSE của Anh tăng hơn 5.000 điểm, trong khi chỉ số giao dịch chứng khoán của Standard & Poor's 500 tại New York, Mỹ luôn duy trì ở mức trên 1.000 điểm trong hơn một tháng.

Ngay cả các chỉ số chứng khoán thế giới (MSCI World), bao gồm các cổ phiếu quốc tế, cũng chưa bao giờ cao đến như vậy kể từ tháng 10 năm ngoái.

Giải thích hiện tượng tăng vọt trên, tờ "Le Monde" số ra ngày 13/9 cho rằng việc các chỉ số chứng khoán tăng có thể chứng tỏ sự rối loạn của hệ thống ngân hàng năm 2008 đã đến hồi kết thúc. Khu vực phi tài chính thế giới dường như đã trải qua giai đoạn tồi tệ nhất.

Dự kiến, GDP của hầu hết các nền kinh tế sẽ tăng trong quý III năm nay. Do đó, các nhà đầu tư tại tất cả các thị trường chứng khoán đều dự đoán một quý III thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, theo "Le Monde", sự phục hồi này rất mong manh.

Tạp chí chuyên ngành của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) mới đây, khi nhìn lại nền kinh tế Mỹ, đã chỉ ra rằng trên thực tế khu vực bán lẻ vẫn ế ẩm, nhu cầu của thị trường nhà đất yếu và hoạt động kinh doanh trong ngành xây dựng tiếp tục suy giảm. Chỉ số giá cả trong ngành vận tải hàng hải chuyên đánh giá các hoạt động thương mại thế giới đã giảm 42% kể từ tháng 6.

Giới chuyên gia cho rằng tính thanh khoản tài chính tăng lên giải thích hiện tượng các thị trường cổ phiếu đồng loạt tăng giá. Các chuyên gia Ngân hàng Trung ương Đức tính toán rằng khối lượng thanh khoản dư thừa - tức là khoản tiền mặt mà các quỹ sẵn sàng dành cho việc mua lại các tài sản tài chính - trong những tháng gần đây đã tăng nhanh hơn bất kỳ thời gian nào khác trong suốt 20 năm qua.

Các khoản tiền này đều cần có nơi để đầu tư, dẫn đến giá của trái phiếu Nhà nước tăng cao bất chấp tỷ lệ lãi suất giảm. Điều này cũng giải thích cho việc giá vàng tăng và xu hướng rút ngắn khoảng cách giữa lãi suất của trái phiếu Nhà nước và cổ phiếu doanh nghiệp, cũng như giá dầu vẫn luôn cao mặc dù dự trữ lớn.

Các chuyên gia kinh tế nhận định một khi sự thịnh vượng của thị trường phụ thuộc vào các thông số tiền tệ hơn là vào sự chính xác của những dự đoán của các nhà đầu tư, thì sự thịnh vượng đó rất mong manh. Nó có thể bị phá vỡ ngay khi chính sách tiền tệ bị siết lại hay xuất hiện bất kỳ trào lưu tích trữ tiền nào.

Các chuyên gia cho rằng, chừng nào hệ thống tài chính chưa thể phân phối tín dụng một cách bình thường, tức là không cần có hỗ trợ to lớn của ngân sách nhà nước, chừng đó sự phục hồi kinh tế sẽ vẫn trong tình trạng bấp bênh./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục