"Cần phải đẩy mạnh cải cách để thúc đẩy tăng trưởng"

WB cho rằng, triển khai chậm các chương trình cải cách cơ cấu sẽ làm suy giảm niềm tin của các nhà đầu tư và triển vọng tăng trưởng.
Ngày 12/7, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã công bố Báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam.

Lạm phát ở mức 8,2% vào cuối năm


Tại buổi họp báo, ông Deepak Mishra chuyên gia kinh tế trưởng WB tại Việt Nam cho biết, dự kiến lạm phát sẽ ở mức 8,2% vào thời điểm cuối năm 2013, cao hơn so với mục tiêu dưới 7% của Chính phủ và con số dự báo trước đó của nhiều chuyên gia và tổ chức kinh tế (từ 6,5-7%).

Mức tăng này được cho là khá cao khi mà trong sáu tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam đã được kiềm chế ở mức 2,4% và còn cách rất xa so với mục tiêu cả năm dưới 6,8%. Mặc dù nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại về việc lạm phát có thể trở lại vào nửa cuối năm, song mức dự báo mà các chuyên gia trong nước đưa ra cũng chỉ khoảng từ 6-6,5% và được cho là có tính khả thi cao.

Lý giải về nguyên nhân dự báo lạm phát cao hơn so với con số mục tiêu của Chính phủ, ông Deepak Mishra cho rằng, lạm phát cả năm 2013 của Việt Nam sẽ chịu tác động của việc tăng lương tối thiểu từ 1/7 vừa qua, việc tăng học phí, giá điện, giá viện phí và cả yếu tố mùa vụ (cuối năm là thời điểm chỉ số giá tiêu dùng tăng mạnh trở lại).

Tuy nhiên, WB cũng đưa ra nhiều xu hướng tích cực của nền kinh tế. Thời gian qua, Chính phủ đã áp dụng chính sách tiền tệ và tài khóa để ổn định kinh tế vĩ mô, nhờ đó môi trường kinh tế vĩ mô tương đối ổn định được thể hiện ở: Lạm phát giảm; tỷ giá khá ổn định trong thời gian dài; dự trữ ngoại hối được cải thiện từ mức 2,2 tháng nhấp khẩu (quý 1/2012) lên mức khoảng 2,8 tháng nhập khẩu (quý 1/2013); mức độ rủi ro tín dụng quốc gia được cải thiện.

Bên cạnh đó, tổng kim ngạch xuất khẩu ước tính tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 66% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và tăng gần 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Cơ cấu hàng xuất khẩu đa dạng hơn, tăng tỷ trọng hàng xuất khẩu công nghệ cao. Xuất khẩu điện thoại và linh kiện trở thành mặt hàng có giá trị lớn nhất (9,9 tỷ) và vượt qua các mặt hàng truyền thống của Việt Nam như dầu thô, may mặc, giày dép... Điện thoại, điện tử, máy tính và linh kiện chiếm gần 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Cải cách phải diễn ra mạnh mẽ hơn

Tại bản báo cáo của mình, Ngân hàng Thế giới cảnh báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ không đổi so với năm 2012, khoảng 5,3% và khoảng 5,4% vào năm 2014.

WB nhận định, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì mức độ tăng trưởng hơn 5% trong ít nhất là 2 năm tới. Đây là giai đoạn tăng trưởng chậm kéo dài nhất kể từ khi đất nước ta bắt đầu đổi mới. Một điểm đáng chú ý là quá trình này diễn ra ngay cả sau khi nền kinh tế thế giới đã bước ra khỏi khủng hoảng và đang ấm dần lên.

Bác cáo của WB chỉ rõ, Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng được ở mức 7% nếu có những cải cách về thể chế và chính sách tốt. Như vậy, Việt Nam đang ở dưới mức tăng trưởng tiềm năng. Nếu như trước giai đoạn suy giảm toàn cầu, tăng trưởng của Việt Nam chỉ kém Trung Quốc, trên Indonesia, Philippines thì nay lại kém cả 3 nước trên.

"Tốc độ tăng trưởng chậm này rất đáng lo vì hiện nay, các nước trên đã có mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn Việt Nam. Khi tăng ttuởng càng chậm, Việt Nam sẽ càng khó khăn trong việc bắt kịp thu nhập của các nước trong khu vực," ông Deepak Mishra nhấn mạnh.

Ông Deepak Mishra cũng nhận định, tăng trưởng kinh tế bị chậm lại có thể tạo sức ép tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa, từ đó sẽ tạo áp lực lạm phát và làm xói mòn các thành quả vốn đã mong manh của ổn định kinh tế vĩ mô. Việc triển khai chậm trễ các chương trình cải cách cơ cấu đã làm suy giảm niềm tin của các nhà đầu tư và tiếp tục tác động tiêu cực tới triển vọng tăng trưởng.

Ba vấn đề lớn mà nền kinh tế trong nước vẫn đang vướng phải đó là thâm hụt ngân sách, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và cải cách doanh nghiệp nhà nước còn nhiều bất cập.

Riêng lĩnh vực cải cách doanh nghiệp Nhà nước, từ khi Chính phủ đề ra chủ trương cải cách khu vực này đến nay đã được 2 năm, nhưng tiến độ thực hiện vẫn còn rất hạn chế.

Bên cạnh đó, khu vực tài chính ngân hàng vẫn còn mong manh tuy những rủi ro hệ thống đã có phần được cải thiện. Trong bối cảnh đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định và chính sách tiền tệ thận trọng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ góp phần ngăn ngừa và giảm thiểu tổn thương của khu vực này.

Tuy nhiên, WB đánh giá cao việc thành lập Công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) của các tổ chức tín dụng vì đây là bước đi cụ thể của Chính phủ trong việc xử lý nợ xấu. Nhưng WB khuyến cáo, để VAMC thành công hơn nữa thì việc xử lý nợ xấu đòi hỏi cần có cách tiếp cận tích cực và phải có những cải cách khác như để VAMC được độc lập xử lý, tăng cường năng lực khu vực tòa án vì không phải cán bộ nào cũng giỏi về nghiệp vụ này...

"Quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước khó có thể thành công nếu không có một cơ chế điều phối liên ngành hữu hiệu và tăng cường tính minh bạch," Ông Deepak Mishra khẳng định./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục