Toàn cảnh sự kiện Giáo hoàng tuyên bố từ nhiệm

"Tôi đã đi tới chỗ nhận ra rằng sức khỏe của tôi, do tuổi cao, đã không còn phù hợp để điều hành thỏa đáng Tòa Thánh"
Giáo hoàng Benedict XVI thông báo rằng ông sẽ từ chức trong vai trò lãnh đạo của 1,1 tỉ giáo dân Thiên Chúa giáo trên thế giới vào ngày 28/2 bởi tuổi tác khiến ông không còn có thể thực hiện các trách nhiệm của mình. Đây là động thái chưa từng xảy ra trong lịch sử Tòa Thánh hiện đại. "Tôi đã đi tới chỗ nhận ra rằng sức khỏe của tôi, do tuổi cao, đã không còn phù hợp để điều hành thỏa đáng Tòa Thánh" - Giáo hoàng 85 tuổi nói trong một bài diễn văn viết bằng tiếng Latin tại một cuộc họp của các Hồng y ở Vatican - "Để có thể lèo lái  con thuyền của Thánh Peter và rao giảng Tin Mừng, cả năng lực của trí óc lẫn thể xác đều là cần thiết. Trong vài tháng qua, những năng lực ấy của tôi đã xấu đi đến mức tôi phải thừa nhận sự bất lực của mình trong việc đáp ứng đầy đủ sứ vụ được Tòa Thánh giao phó cho mình". "Vì lý do này và hoàn toàn nhận thức được tính nghiêm trọng của hành động này, với sự tự do hoàn toàn, tôi tuyên bố việc thoái vị khỏi sứ vụ của Giám mục Rome, Người kế vị Thánh Peter, đã được giao phó cho tôi bởi các Hồng y vào ngày 19/4/2005. Và như thế, kể từ 20h ngày 28/2/2013, Ngai Tòa Thánh Peter, sẽ được bỏ trống và một Mật Nghị Hồng y sẽ được triệu tập để bầu vị Giáo hoàng mới" - ông nói. Giáo hoàng Benedict, người trông càng ngày càng mệt vào mấy tháng gần đây và thường phải sử dụng một nền tảng di động để đi lại trong Quảng trường Thánh Peter tại các buổi lễ của Tòa Thánh, đã từng nói trong một cuốn sách tập hợp các bài phỏng vấn hồi năm 2010 rằng ông sẽ từ chức nếu thấy không còn có thể thực hiện các nghĩa vụ của mình. "Giáo hoàng đã khiến chúng tôi hơi ngỡ ngàng" - phát ngôn viên Vatican Federico Lombardi nói trong một cuộc họp báo tổ chức vội vã. Giáo hoàng duy nhất từng từ chức vì cảm thấy mình không còn có thể thực hiện được các nghĩa vụ nữa là Celestine V vào năm 1926. Ông là người sống ẩn dật, đã từ chức chỉ sau vài tháng ngồi ghế Giáo hoàng, nói rằng ông khao khát một cuộc sống đơn giản hơn và không có đủ sức khỏe để điều hành Tòa Thánh. Nhiều lời ca ngợi Giáo hoàng từ khắp nơi trên thế giới đã đổ tới. Một phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng vị Giáo hoàng sinh ra từ Đức xứng đáng được "kính trọng" và "biết ơn" vì 8 năm cầm quyền của ông. Tổng thống Pháp Francois Hollande nói rằng quyết định của Giáo hoàng là "rất đáng kính". Benedict, tên cũ Joseph Ratzinger, đã kế nhiệm Giáo hoàng John Paul II, người cầm quyền trong thời gian dài và được ưa thích, vào tháng 4/2005, sau gần 1/4 thế kỷ đóng vai trò người thực thi các học thuyết của Nhà thờ. Việc này khiến ông được đặt cho biệt danh "Rottweiller của Chúa".

Thời gian làm Giáo hoàng, ông để lại điểm sáng là các nỗ lực giúp tăng cường niềm tin vào Thiên Chúa giáo trong bối cảnh chủ nghĩa thế tục đã tăng lên ở phương Tây và Nhà thờ mất điểm vì có nhiều vụ bê bối lạm dụng trẻ em do các vị linh mục Thiên Chúa giáo thực hiện đã bị che giấu trong hàng thập kỷ. Benedict đã luôn bênh vực gốc rễ của Thiên Chúa giáo ở châu Âu và thể hiện tư tưởng bảo thủ của mình bằng cách thường xuyên nhấn mạnh tới các giá trị gia đình và phản đối kịch liệt vấn đề phá thai, chết không đau và kết hôn đồng tính./.
Linh Vũ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục