Cần khắc phục khó khăn khi xuất khẩu sang Nhật

Chất lượng hàng hóa, hiểu biết về thị trường và phương thức kinh doanh là ba khó khăn mà doanh nghiệp gặp khi xuất khẩu sang Nhật.
Chất lượng hàng hóa, hiểu biết về thị trường Nhật Bản và nắm được phương thức kinh doanh tại thị trường này là ba khó khăn lớn mà doanh nghiệp Việt Nam cần khắc phục khi xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản.

Ba khó khăn trên cũng đã được các doanh nghiệp Việt Nam đề cập tới trong hội thảo phổ biến về Hiệp định hợp tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA) cho các doanh nghiệp xuất khẩu, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 21/12, tại Hà Nội.

Ông Lê Quang Lân - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, chất lượng hàng hóa xuất khẩu là điều bắt buộc, do đó một số lô hàng từ Việt Nam không đảm bảo chất lượng đã làm ảnh hưởng đến uy tín của nhiều doanh nghiệp khác.

Không những thế, mối quan hệ giữa các doanh nghiệp Nhật Bản rất chặt chẽ nên doanh nghiệp Việt Nam muốn thâm nhập thị trường Nhật Bản không nên đi bằng đường thẳng mà nên thông qua các doanh nghiệp Việt Nam đã khẳng định được uy tín tại thị trường này.

Theo Hiệp định hợp tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản, hàng hóa của Việt Nam khi vào Nhật Bản và ngược lại hàng hóa Nhật Bản xuất khẩu vào Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi về thuế.

Ngay trong năm đầu tiên của Hiệp định, 86% hàng hóa Việt Nam sẽ hưởng thuế suất 0% khi vào thị trường này. Mức thuế này cũng được áp dụng trong lộ trình 10-15 năm đối với nhiều mặt hàng khác. Vì vậy, hàng dệt may và thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản được hưởng nhiều ưu đãi.

Phía Nhật Bản đang xúc tiến dự án xây dựng trung tâm kiểm định chất lượng hàng hóa tại Việt Nam; xem xét tiếp nhận lao động Việt Nam trong lĩnh vực y tế (y tá và hộ lý) sang đào tạo tại Nhật và giúp nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục