Diện mạo giai đoạn mới

Diện mạo nền kinh tế nước Nga vào giai đoạn mới

Gần như chắc chắn đương kim Thủ tướng V. Putin sẽ trở thành Tổng thống mới của nước Nga trong một nhiệm kỳ thứ ba kéo dài 6 năm.
Mặc dù đến tháng 12 mới diễn ra cuộc bầu cử Hạ nghị viện Nga và đến tháng 3/2012 mới tổ chức cuộc bầu cử Tổng thống, nhưng gần như chắc chắn đương kim Thủ tướng V. Putin sẽ trở thành Tổng thống mới của nước Nga trong một nhiệm kỳ thứ ba của ông kéo dài 6 năm và có thể vị Tổng thống hiện nay, D. Medvedev, sẽ ngồi vào ghế Thủ tướng.

Có triển vọng đó là nhờ những diễn biến mới nhất tại Đại hội của Đảng Nước Nga thống nhất trong hai ngày 24-25/9 ở Mát xcơva.

Tại đây, “ẩn số” của cuộc bầu cử ở Nga sắp tới đã được “bật mí,” ông Putin sẽ tranh cử Tổng thống, còn ông Medvedev thì “sẽ trở lại làm việc trong Chính phủ.”

Tại Đại hội nói trên, Thủ tướng kiêm Chủ tịch Đảng Nước Nga thống nhất V. Putin đã trình bày một “chương trình hành động về kinh tế” của nước Nga trong giai đoạn sắp tới.

Về tốc độ tăng trưởng của Nga, ông Putin tuyên bố: “Nhịp độ phát triển của chúng ta phải cao hơn hẳn nhịp độ mà chúng ta đạt được hiện nay; phải lấy lại trạng thái mà chúng ta có được cách đây hoàn toàn chưa lâu, trước cuộc khủng hoảng. Chúng ta cần phải thúc đẩy kinh tế tăng trưởng 6-7% mỗi năm.”

Ông Putin nêu nhiệm vụ: “Trong 5 năm tới nước Nga phải đứng vào nhóm 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới.” Nhắc lại rằng, kinh tế Nga hiện nay tăng trưởng khoảng 4%, trong khi các nước phát triển tăng trưởng khoảng 1-2% mỗi năm, ông Putin đồng thời cũng cảnh báo: “Chúng ta không được nhầm lẫn ở đây, bởi vì xét theo giá trị tuyệt đối thì 2% kia còn lớn hơn 4% của chúng ta.”

Nhà lãnh đạo này cũng khẳng định: “Nếu chúng ta cứ tiếp tục phát triển vói tốc độ như hiện nay thì không thể tăng cường được vị thế của mình, không thể bảo đảm được chất lượng cuộc sống cao cho người dân Nga.”

Theo ông Putin, kinh tế thế giới hiện nay đang đứng trước nhiều rủi ro, thách thức và để có thể “phòng chống được mọi chấn động thì chúng ta phải mạnh lên.”

Cụ thể về các giải pháp, Thủ tướng Putin cho biết tất cả những dự luật liên quan đến việc cải thiện môi trường kinh doanh đều sẽ được thảo luận, bàn bạc với giới doanh nhân để loại trừ những rào cản, những trở ngại có thể có.

Ông tuyên bố Nhà nước “sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, bảo đảm những luật lệ công bằng về cạnh tranh, bảo đảm sự ổn định và sự rõ ràng, nhất quán của chính sách kinh tế.”

Nói về một trong những điểm yếu của kinh tế Nga là việc ứng dụng khoa học, công nghệ còn bất cập, Thủ tướng Putin nhấn mạnh: “Nước Nga cần phải có những quy chuẩn công nghệ tiên tiến nhất và phải làm cho con đường đi từ dự án đến việc khánh thành một công trình mới, khai trương một nhà máy, xí nghiệp, công xưởng mới được rút ngắn nhất.”

Nói về công bằng xã hội, ông Putin tuyên bố, “thuế đối với những người khá giả, những người giàu - mà ở nước Nga bộ phận này ngày càng đông thêm - sẽ phải cao hơn so với phần đông dân cư.” Theo ông Putin, đó trước hết là thuế tiêu thụ, thuế bất động sản và thuế tài sản.

Thủ tướng Putin cũng khẳng định phải tách bạch các loại thuế đánh vào các công ty hoạt động trên những lĩnh vực khác nhau. “Hệ thống thuế phải phục vụ hiện đại hoá kinh tế và đồng thời cũng phải thể hiện được nguyên tắc công bằng - có những sắc thuế thì áp dụng với những doanh nghiệp khai thác tài nguyên thiên nhiên, đem bán nguyên liệu; có những sắc thuế, thấp hơn, thì áp vào những đơn vị sáng tạo công nghệ, sản xuất hàng hoá, xây dựng những xí nghiệp mới, thành lập những doanh nghiệp mới...”

Cũng cần nói thêm là tại Đại hội Đảng Nước Nga thống nhất, sau khi chấp thuận đứng đầu danh sách ứng cử viên của đảng này tranh cử vào Hạ nghị viện và chấp thuận “trở lại làm việc trong Chính phủ” (nếu Putin trở thành Tổng thống), đương kim Tổng thống D. Medvedev cũng đã nêu ra 8 điểm của một chiến lược mà ông nói là “sẽ xác định đường nét phát triển của nước Nga trong những năm sắp tới.”

Tóm tắt 8 điểm đó là một - hiện đại hóa kinh tế, hệ thống giáo dục đào tạo, tái trang bị kỹ thuật cho công nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng hạ tầng cho phát triển công nghệ, nâng cao năng suất lao động...; hai - thực hiện các cam kết xã hội; ba - loại trừ tham nhũng; bốn - kiện toàn hệ thống tư pháp; năm - duy trì hoà bình giữa các dân tộc và tôn giáo; sáu - xây dựng hệ thống chính trị hiện đại; bảy - bảo đảm an ninh bên trong và bên ngoài, xây dựng lực lượng cảnh sát hiệu quả, lực lượng vũ trang hùng mạnh; và điểm thứ tám là thực hiện chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, sáng suốt nhằm mục tiêu duy nhất là nâng cao phúc lợi của nhân dân và bảo đảm an toàn, an ninh cho nhân dân.

Quãng thời gian 20 năm Liên bang Nga độc lập có thể chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn một là những năm 90 của Thế kỷ 20, nước Nga lâm vào khủng hoảng toàn diện, đối mặt với nhiều nguy cơ; thiết chế nhà nước liên bang đã lung lay bên bờ vực tan rã khi xu hướng ly khai bùng lên ở Tresnia và “chiến dịch” đòi chủ quyền lan ra nhiều khu vực khác; các hoạt động khủng bố, bạo loạn khiến toàn bộ vùng Kavkaz bất ổn; cải cách kinh tế thị trường theo “liệu pháp sốc” làm cho hàng triệu người dân khốn khó; sản xuất đình đốn, tài chính khủng hoảng, Nhà nước vỡ nợ năm 1998; xung đột giữa các nhánh chính quyền, các lực lượng chính trị và các tầng lớp trong xã hội Nga diễn ra gay gắt.

Nhưng trong giai đoạn hai, từ năm 2000, Liên bang Nga từng bước thoát ra khỏi khủng hoảng, đi vào ổn định và phát triển, lấy lại vị thế cường quốc. Giai đoạn này gắn liền với hai nhiệm kỳ tổng thống của Vladimir Putin, rồi tiếp đó là nhiệm kỳ Tổng thống của Dmitry Medvedev (2008-2012) với ông Putin làm Thủ tướng, tạo thành một “bộ đôi lãnh đạo” của nước Nga.
Thảo Tùng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục