"Có thể hạ cấp, giải thể trường vi phạm quy định"

Ông Đào Trọng Thi nhấn mạnh hy vọng, Bộ Giáo dục-Đào tạo có thể hạ cấp hoặc giải thể một số trường đại học có hành vi vi phạm lớn.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi nhấn mạnh “Tôi hy vọng, nếu Bộ Giáo dục-Đào tạo đã quyết tâm, có thể thực hiện biện pháp mạnh đối với một số hành vi vi phạm lớn như hạ cấp một số trường, giải thể một số trường.”

Trao đổi với phóng viên bên lề Quốc hội, ngày 4/6, về những vấn đề của giáo dục đại học hiện nay, ông Đào Trọng Thi cho rằng phải siết chặt hơn điều kiện thành lập và các cam kết trong đề án xây dựng trường đại học, quản lý chặt chẽ hơn để mọi quy định được triển khai một cách nghiêm túc.

Nếu thực hiện được điều đó, sẽ đáp ứng được những tiêu chí, tiêu chuẩn quy định để đảm bảo chất lượng đối với các cơ sở giáo dục đại học trong nước.

Đối với những trường hợp đã vi phạm, đến nay vẫn chưa đảm bảo yếu tố chất lượng, phải yêu cầu khắc phục và nếu không khắc phục được, hoặc phải tạm dừng không cấp chỉ tiêu, hoặc chỉ giao chỉ tiêu phù hợp với năng lực thực tế của trường.

Trường nào vừa được nâng từ cao đẳng lên đại học nhưng không đảm bảo tiêu chuẩn quy định, có thể hạ cấp trở lại để vừa với năng lực.

Những trường 10 năm vẫn chưa xây dựng được cơ sở vật chất, không có khả năng đầu tư, phải đi thuê mượn… nên giải thể. Luật đã quy định, giờ chỉ cần thực hiện nghiêm túc, ông Thi khẳng định.

Nhiều năm qua, Việt Nam loay hoay với việc việc xây trường đại học đẳng cấp quốc tế nhưng ngay cả ở mức bình thường, nền giáo dục đại học cũng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước, ông lý giải vấn đề này như thế nào?

Ông Đào Trọng Thi: Trong báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học sẽ được Ủy ban trình bày trong ngày 7/6 tới có phân tích đầy đủ các nguyên nhân.

Đó là đội ngũ giảng viên còn thiếu về số lượng, yếu về trình độ. Việt Nam có quy định số lượng sinh viên/giảng viên nhưng không đạt được; tỷ lệ giáo sư, pháo giáo sư, tiến sĩ cũng còn rất xa con số đề ra; cơ sở vật chất, trang thiết bị đều yếu kém.

Tiêu chuẩn quốc gia đặt ra là 6m2/sinh viên, hiện nay có trường mới đạt được 0,5m2 và gần như không trường nào đạt tiêu chuẩn. Khu vui chơi giải trí - một phần rất quan trọng trong điều kiện học tập của sinh viên - cũng hầu như không có.

Phải chăng Việt Nam đầu tư chưa đúng mức, thưa ông?

Ông Đào Trọng Thi: Đúng vậy! Đầu tư cho giáo dục đại học còn rất kém. Một trong những tiêu chí rất quan trọng là suất đầu tư trên đầu sinh viên. Cách đây năm đến sáu năm, Việt Nam còn đạt suất đầu tư sáu triệu đồng/sinh viên theo tiêu chuẩn Nhà nước đặt ra cho các trường công lập. Nhưng vì chạy theo số lượng, các trường đều tuyển vượt chỉ tiêu kinh phí cho.

Đến nay, trên thực tế, suất đầu tư đó bị chia nhỏ và hầu hết chỉ đạt 2,5 triệu đồng/sinh viên. Đây mới chỉ là chi phí thường xuyên, chưa nói đến đầu tư xây dựng cơ bản. Do vậy, chất lượng giáo dục cũng giảm đi.

Theo ông, trách nhiệm này do ai?

Ông Đào Trọng Thi: Trách nhiệm do nhiều cơ quan khác nhau. Quốc hội cũng có trách nhiệm trong việc ban hành pháp luật chưa đầy đủ, Luật Giáo dục Đại học đến nay chưa có. Văn bản quy phạm pháp luật cấp Chính phủ, cấp bộ còn thiếu nhiều. Hiện nay, theo đánh giá, số lượng văn bản cần được ban hành mới đáp ứng được khoảng 30-40% so với yêu cầu thực tế.

Trách nhiệm cụ thể hơn vẫn là sự điều hành của Chính phủ và điều hành trực tiếp của Bộ Giáo dục-Đào tạo trong cơ chế quản lý, phối hợp quản lý giữa các cơ quan Nhà nước có liên quan.

Bên cạnh đó, có cả trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học. Năng lực không đủ nhưng vẫn xin chỉ tiêu cao, đăng ký ngành đào tạo không phù hợp với năng lực của mình, chạy theo số lượng, không đảm bảo chất lượng.

Ông có tin rằng sau báo cáo giám sát, những bất cập yếu kém của giáo dục đại học sẽ được chấn chỉnh?

Ông Đào Trọng Thi: Chấn chỉnh một cách triệt để là một câu chuyện lâu dài nhưng việc hạn chế đi là điều tôi hoàn toàn tin tưởng. Tôi rất hoan nghênh thái độ cầu thị của Bộ Giáo dục-Đào tạo trong thời gian vừa qua.

Có nhiều việc báo cáo giám sát nêu lên, nhưng chưa trình, Quốc hội chưa trực tiếp xem xét, Bộ đã sửa rồi. Điển hình nhất là vừa rồi Bộ đã có công văn yêu cầu 35 trường đại học, viện và học viện phải dừng tuyển sinh đào tạo tiến sỹ ở  hơn 100 chuyên ngành từ năm 2010 do chưa đủ điều kiện về đội ngũ cán bộ khoa học.

Bộ này cũng chấn chỉnh, kiểm tra các điều kiện thành lập trường.

Ông có nghĩ đến một lúc nào đó, Việt Nam sẽ mở rộng đầu vào và siết chặt đầu ra như Hàn Quốc, Singapore chẳng hạn?

Ông Đào Trọng Thi: Có lẽ rồi đến một lúc nào đó cũng phải như thế! Nhưng mình phải có điều kiện để phát triển mạnh mẽ hơn mạng lưới các trường đại học, cao đẳng để tạo ra được nhiều chỗ học hơn. Đời sống người dân cũng phải cao hơn.

Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện có lựa chọn đầu vào để đảm bảo rằng các em đã được lựa chọn có sự đảm bảo tương đối tốt để có thể theo được chương trình đào tạo. Đó là một cách chúng ta quan niệm là để tránh lãng phí.

Tôi cũng phải nói thật, học phí chúng ta còn lấy rất thấp bởi phần Nhà nước đóng góp vào rất cao nên gần như con em nhà nghèo vẫn có thể theo học được. Nếu mở rộng đầu vào, thít đầu ra, nhiều em theo học một đến hai năm rồi bỏ, rất có thể trở nên lãng phí.

Ở các nước khác, học phí rất cao, lệ phí thi cũng rất cao, không ai dại gì thi chơi, học chơi một thời gian. Còn ở Việt Nam, có những em hoàn toàn không có mục tiêu vào đại học, thi đỗ cũng không học nhưng cứ đi thi vì lệ phí thi rất rẻ.

Chính sách giáo dục đại học của Việt Nam hiện nay là tạo điều kiện cho mọi người có cơ hội tiếp cận, bởi vậy quy định học phí và lệ phí thi tương đối rẻ. Em nào tốt nghiệp phổ thông cũng đi thi đại học và nhiều gia đình có nghèo đến đâu nhưng con đỗ đại học cũng cố gắng tạo điều kiện cho con học. Có thể nói việc cố gắng đó ở Việt Nam là dễ hơn ở nhiều xã hội khác.

Theo tôi, cũng phải cân nhắc việc này. Trong lúc Việt Nam đang tiến dần đến cách làm của các nước trên, trước mắt có thể tuyển sinh mang tính chất lựa chọn tức là trong nhiều người có nhu cầu sẽ chọn ra một số người có năng lực nhất rồi tiến đến sát hạch để xem có đủ năng lực theo học hay không.

Và tiến xa đến một lúc nào đó, khi đời sống phát triển, có thể mở rộng đầu vào thậm chí là ghi danh như nhiều nước và chỉ cần quản lý đầu ra./.

Xin cám ơn ông!

Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục