UBTVQH thảo luận phân bổ nguồn vốn ngân sách

Sáng 13/9, Quốc hội thảo luận cho ý kiến về định mức phân bổ ngân sách nhà nước áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách 2011-2015.
Sáng 13/9, phát biểu khai mạc phiên họp 34 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nêu rõ tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến sẽ thảo luận, cho ý kiến vào các nhóm vấn đề lớn.

Về công tác xây dựng pháp luật, Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp giai đoạn 2011-2020.

Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về bảy dự án luật gồm Luật tố cáo; Luật Thủ đô; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán; Luật kiểm toán độc lập; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự; Luật phòng, chống mua bán người; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe và thảo luận báo cáo giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”; nghe Chính phủ báo cáo tổng kết bước một việc thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường.

Tại phiên họp 34, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII; định mức phân bổ ngân sách nhà nước áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách 2011-2015; chuẩn bị Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 31 (AIPA-31)…

Sáng 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận cho ý kiến về định mức phân bổ ngân sách nhà nước áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách 2011-2015.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đọc Tờ trình xây dựng hệ thống định mức chi thường xuyên của ngân sách nhà nước năm 2011 của các bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tờ trình về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015.

Theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, định mức phân bổ đề xuất đối với các bộ, cơ quan Trung ương vẫn quy định sáu bậc, tuy nhiên điều chỉnh lại về bậc so với quy định tại Quyết định 151 để phù hợp với quy mô biên chế hiện nay của các bộ, cơ quan Trung ương.

Định mức phân bổ chi quản lý hành chính năm 2011 từ 19 triệu đến 30 triệu đồng/biên chế (riêng định mức cho khối các cơ quan Tư pháp, Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ có mức 30 triệu đồng/biên chế). Như vậy, so với định mức cũ theo Quyết định 151, bình quân định mức mới tăng từ 1,79 đến 1,82 lần cho từng bậc.

Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hệ thống định mức lấy dân số là tiêu chí chính và tiếp tục phân thành bốn vùng (đô thị, đồng bằng, vùng miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở đồng bằng, vùng sâu, vùng cao và hải đảo).

Hệ số ưu tiên được nâng lên đối với vùng miền núi, vùng cao-hải đảo và có cơ chế hỗ trợ các địa phương trọng điểm thu. Cụ thể, bổ sung thêm 7% định mức theo dân số đối với các địa phương khó khăn (khu vực Đồng bằng sông Cửu Long); bổ sung thêm 12% định mức theo dân số đối với các địa phương có dân số dưới 500.000 dân và 10% đối với các địa phương có từ 500.000 đến 800.000 dân; bổ sung thêm 50% định mức dân số đối với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; 35% đối với ba thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ; 30% đối với các tỉnh có đóng góp về ngân sách Trung ương từ 40% trở lên...

Áp dụng định mức này, năm 2011, Chính phủ dự kiến có khoảng 13 tỉnh, thành phố có điều tiết về ngân sách Trung ương, gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ và đặc biệt có thêm hai tỉnh so với thời kỳ ổn định ngân sách trước là Bắc Ninh, Quảng Ngãi.

Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đề nghị các ý kiến thảo luận tập trung làm rõ căn cứ, nguyên tắc, tiêu chí phân bố chi thường xuyên và vốn đầu tư phát triển; kế hoạch đối với các chương trình mục tiêu quốc gia; quản lý sử dụng quỹ dự phòng ngân sách và quỹ dữ trữ tài chính...

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng, đối với tiêu chí định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên của ngân sách nhà nước, để phù hợp với thực tế cần chú ý tính thêm hệ số trượt giá cùng với việc đảm bảo kinh phí để góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, giai đoạn 2011-2015 của cả nước, cũng như từng bộ, cơ quan Trung ương và từng địa phương; ưu tiên bố trí kinh phí cho những lĩnh vực quan trọng và vùng cao-hải đảo, vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn; tăng hệ số ưu tiên cho các địa phương trọng điểm để có nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, của vùng...

Đối với việc phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền đề nghị trong tiêu chi phân bổ vốn đầu tư cơ bản cần có tiêu chí riêng đối với các tỉnh biên giới. Đại biểu phân tích, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế... của các tỉnh biên giới có yêu cầu và ý nghĩa cao hơn các tỉnh khác, vì thế cần phải có hệ số tăng cường.

Về trái phiếu Chính phủ, ông Hà Văn Hiền tán thành với đề xuất của Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ cụ thể hóa các tiêu chí và nguyên tắc phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ trong năm 2011-2012, tiến tới đưa việc phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ vào trong cân đối ngân sách nhà nước khi sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước.

Về các chương trình mục tiêu quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng, trong giai đoạn vừa qua đã có quá nhiều chương trình mục tiêu quốc gia.

Ông Hà Văn Hiền đề nghị cần rà soát lại và giảm bớt các chương trình, việc có quá nhiều chương trình mục tiêu quốc gia dẫn đến phân tán nguồn lực của Nhà nước, hiệu quả đầu tư giảm sút.

Đại biểu cho rằng sau khi rà soát, cần giảm bớt chỉ để lại một số chương trình mục tiêu có giá trị đặc biệt như chương trình xóa đói giảm nghèo, môi trường… Một số chương trình cần phải tổng kết để so với mục tiêu ban đầu đặt ra đã thực hiện được đến đâu, để tồn tại như hiện nay, hiệu quả rất thấp - ông Hà Văn Hiền nhận xét.

Cùng quan điểm không tán thành việc có quá nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, ông Nguyễn Văn Thuận khẳng định việc làm này dẫn tới phân tán nguồn vốn của Nhà nước và đề nghị "cần phải dừng lại, không quyết định các chương trình mới nữa."

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đánh giá báo cáo của Chính phủ đã đưa ra sáu căn cứ xây dựng nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển.

Tuy nhiên, bà Trương Thị Mai đề nghị, trong vòng năm năm tới cần phải đặt ra mục tiêu giảm sự chênh lệch giữa các vùng miền. Xung quanh tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển trong cân đối do địa phương quản lý, bà Mai đề nghị về tiêu chí “trình độ phát triển,” bao gồm: tỷ lệ hộ nghèo, thu nội địa và tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương: tỷ lệ hộ nghèo và số thu nội địa là hai yếu tố ngược chiều nhau, địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao có số thu nội địa thấp và ngược lại, dẫn đến tiêu chí trình độ phát triển giảm ý nghĩa trong khi xác định điểm của các địa phương.

Bà Trương Thị Mai phân tích quy định 1 điểm cho 5% tỷ lệ hộ nghèo là quá thấp so với số điểm dành cho các tiêu chí thu nội địa và tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương gây khó khăn cho các tỉnh có kinh tế chậm phát triển, vì vậy, cần tăng thêm từ 2 đến 3 điểm cho tiêu chí này...

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đề nghị trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các đại biểu, Chính phủ tiếp thu để sớm hoàn thiện định mức phân bổ ngân sách nhà nước áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách 2011-2015./.

Quỳnh Hoa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục