HLV Hồ Thị Từ Tâm: “Quái kiệt” làng điền kinh

Liên tục từ năm 2003 đến nay, huấn luyện viên điền kinh Hồ Thị Từ Tâm luôn có mặt trong danh sách những huấn luyện viên tiêu biểu.
Liên tục từ năm 2003 đến nay, huấn luyện viên Hồ Thị Từ Tâm luôn có mặt trong danh sách những huấn luyện viên tiêu biểu. Năm 2007, chị qua mặt tất cả để lên ngôi số 1 và năm 2009, lại xếp thứ nhì.

Chúc mừng chị xếp thứ nhì cuộc bầu chọn năm 2009. Cảm giác có gì đặc biệt so với mọi năm không?

HLV Hồ Thị Từ Tâm: Tôi không quá bất ngờ vì trong năm qua tổ cự ly trung bình do tôi phụ trách đã thắng lớn với 4 huy chưong vàng SEA Games, 1 huy chương bạc và 3 huy chương đồng châu Á. Tôi nghĩ mình sẽ được ghi nhận. À, nghĩ lại tôi cũng “tài” đấy chứ nhỉ. Điền kinh là môn Olympic, vô cùng nghiệt ngã thế mà năm nào tôi cũng được việc (cười).

Nói thế thôi, chứ cảm xúc vẫn rạo rực như các lần trước được bầu chọn trong tốp huấn luyện viên xuất sắc. Tôi thấy huấn luyện viên Nguyễn Đình Minh năm nay xứng đáng đấy. Thực sự rất mừng cho cậu ấy. Đưa một học trò vươn lên tầm châu Á, huy chương vàng châu Á là cực khó. Minh là một huấn luyện viên cá tính, tài ba, tâm huyết. Thể thao Việt Nam và điền kinh nói riêng cần những người như thế. Tôi tin với tuổi trẻ, Nguyễn Đình Minh sẽ bay cao hơn.

Có mặt ở Lào, thực sự nếu không có điền kinh và điền kinh không thành công, SEA Games và thể thao Việt Nam nói chung mất đi những khoảnh khắc thăng hoa?

HLV Hồ Thị Từ Tâm: SEA Games nào mà chẳng thế. Môn “nữ hoàng” mà. Theo tôi, SEA Games trước 8 huy chương vàng, năm nay 7 nhưng chưa hẳn là thua trước. Lý do là lực lượng của chúng ta đã có nhiều biến động đáng lo. Này nhé, Đình Cương đã lớn tuổi rồi. Tuy thế, Nguyễn Văn Lý, Mai Văn Vân vẫn chưa thay thế được. Vân tập luyện thành tích bằng Cương, nhưng vào thi đấu giải lớn thì kém xa. Hôm tôi xem U23 đá thua Malaysia là do tâm lý cả đấy, chứ không phải bán độ hay trình độ kém hơn đâu.

Cũng như nữ, Đỗ Thị Thảo còn trẻ quá. Nhiều khi em cuống cả lên trước sân chơi lớn. Thảo đoạt huy chương đồng là đáng khen lắm rồi.

Nói thế để thấy, đoạt được 7 tấm huy chương vàng là kỳ tích. Người trong nghề mới biết. Không mưu trí, có chiến thuật tốt, hay nói cách khác, không "quái" thì khó có thành tích tốt vì Đông Nam Á nhẵn mặt nhau rồi. Bây giờ tôi mới dám nói, chiến thắng của Cương ngoài ý chí của em, còn là kết quả của sự bàn bạc đến nát óc giữa cô trò chúng tôi.

Tôi biết không như Hằng còn trẻ và đối thủ yếu hơn một bậc, Cương rất áp lực bởi em có tuổi rồi. Vả lại, phải cạnh tranh với 2 vận động viên Malaysia 2 năm nay đều thắng Cương toàn diện. Thế nên, chúng tôi thống nhất Cương đừng quá lo sẽ thua, vì chẳng may xảy ra chẳng ai nỡ trách khi em cứng tuổi. Cứ cố đeo bám cho rát đối thủ, chờ cơ hội thoát lên. Cương đã làm được điều đó, dù rất khó khăn để đoạt huy chương vàng.

Chiến công đó đã giải phóng sức tâm lý, Cương thực sự hưng phấn, trong khi hai đối thủ kia lại bị đẩy vào thế trạng thái. Tuy vậy, nội dung 1.500m không dễ vì cuộc đua dài hơn. Nguyễn Văn Lý được giao nhiệm vụ phải cắn răng dẫn đầu 950m, để Cương “núp”. Sức Lý chỉ có thể làm được điều đó. Hai vận động viên Malaysia tâm lý phải có huy chương, thấy một anh “vô danh” như Lý chạy như điên liền hoảng, tập trung vào đeo bám mà quên Cương. Thế là lại rơi vào bẫy của chúng tôi.

Hai tấm huy chương vàng của Cương thực sự nghẹt thở với tôi. Tôi đã cảm nhận một điều, nếu Cương rồi Hương, Hằng giải nghệ, những nội dung của các em sẽ phải rất lâu mới tìm được người đủ khả năng. Tìm người chạy còn khó hơn tìm cầu thủ bóng đá.

Tôi cũng tiếc cho Trương Thanh Hằng ở nội dung 800m. Em hoàn toàn có thể phá kỷ lục, nhưng do vòng chạy thứ 2 không có đối thủ đủ sức đeo bám nên Hằng hơi “ì”. Nếu có người đuổi sát sau lưng, buộc em phải tăng hết tốc lực.

27 năm làm huấn luyện viên, 11 năm được giao nhiệm vụ phụ trách tổ cực ly trung bình, chị đã gặt hái nhiều thành công. Những ngày đầu năm, chị có ước mơ gì?

HLV Hồ Thị Từ Tâm: Đúng là nhiều khi tôi thấy mình có lỗi vì say đắm với điền kinh quá mà chưa có thời gian chăm sóc gia đình. Tôi thương học trò, đau thực sự khi các em thất bại, còn khi học trò thành công tôi cũng vui và hồn nhiên ăn mừng như đưa trẻ. Cả chục năm nay, Cương, Hằng và đồng đội coi tôi như người mẹ. Chính điều đó đã tạo thêm động lực cho tôi toàn tâm với môn thể thao tranh đấu rất nghiệt ngã này.

Ước mơ ư? Thực sự tôi khao khát có một tấm huy chương ở ASIAD. Tôi có một lần đưa quân đi ASIAD ở Qatar, nhưng Đỗ Thị Bông và Trương Thanh Hằng chỉ xếp thứ 4. Không biết ước mơ ấy bao giờ mới thành hiện thực.

Nói thế bởi nhìn vào sự đầu tư của ta, “phương tiện” để tấn công những giải này vẫn còn thiếu thốn lắm. Từ áp dụng khoa học kỹ thuật, thuốc men bổ trợ, chuyên gia hàng đầu huấn luyện đều thiếu. Nói thực là tôi đã làm hết sức mình rồi, vắt hết tâm trí cho điền kinh rồi.

Thành tích của điền kinh ta cũng tốt qua hai kỳ SEA Games gần đây, lẽ ra đã bay xa hơn nếu được đầu tư lớn. Tôi nghe nói cường quốc Đức sẽ hỗ trợ cho điền kinh Việt Nam trong năm nay, kể cả đưa chuyên gia sang.

Phải có bậc thầy điền kinh đẳng cấp thế giới “bày” cho thì mới hy vọng tiếp cận được thành tích quốc tế. Tôi hy vọng ASIAD 2010 Vũ Thị Hương và Trương Thanh Hằng sẽ có huy chương nhờ chương trình hợp tác với Đức./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục