Kinh tế Nhật đã đủ điều kiện để tăng thuế tiêu dùng?

Sau chiến thắng thuyết phục của liên minh cầm quyền trong cuộc bầu cử Thượng viện hôm 21/7, vấn đề tăng thuế tiêu dùng đã một lần nữa nổi lên thành một chủ đề gây tranh cãi ở Nhật Bản. Vì vậy, cho dù kết quả bầu cử đã giúp củng cố vững chắc vị thế của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền trên chính trường Nhật Bản nhưng Thủ tướng Shinzo Abe vẫn trì hoãn việc ra quyết định về việc tăng thuế tiêu dùng tới mùa Thu năm nay, bởi vì đây là vấn đề tương đối nhạy cảm về chính trị ở nước này.
Sau chiến thắng thuyết phục của liên minh cầm quyền trong cuộc bầu cử Thượng viện hôm 21/7, vấn đề tăng thuế tiêu dùng đã một lần nữa nổi lên thành một chủ đề gây tranh cãi ở Nhật Bản.

Vì vậy, cho dù kết quả bầu cử đã giúp củng cố vững chắc vị thế của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền trên chính trường Nhật Bản nhưng Thủ tướng Shinzo Abe vẫn trì hoãn việc ra quyết định về việc tăng thuế tiêu dùng tới mùa Thu năm nay, bởi vì đây là vấn đề tương đối nhạy cảm về chính trị ở nước này.

Điều kiện đã chín muồi

Theo kế hoạch trong dự luật được Quốc hội Nhật Bản thông qua hồi cuối tháng Tám năm ngoái dưới thời chính quyền của Thủ tướng Yoshihiko Noda, thuế tiêu dùng sẽ được điều chỉnh tăng từ mức 5% hiện nay lên 8% vào tháng 4/2014 và sau đó, lên mức 10% vào tháng 10/2015. Một điều kiện (mặc dù không mang tính ràng buộc) cho việc tăng thuế tiêu dùng là nền kinh tế nước này phải tăng trưởng vững chắc.

Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, tại thời điểm hiện nay, nền kinh tế Nhật Bản đã hội đủ điều kiện cho việc tăng thuế tiêu dùng. Kết quả thăm dò ý kiến các chuyên gia kinh tế do hãng tin Kyodo tiến hành tuần trước cho thấy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 3% trong quý 2/2013, cao hơn so với mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra. Ngày 30/7, chính quyền Abe đã quyết định nâng dự báo tăng trưởng GDP thực tế của nước này trong tài khóa 2013 từ con số dự báo 2,5% mà họ đưa ra hồi tháng 1/2013 lên 2,8%.

Bên cạnh đó, có nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế nước này đã thoát khỏi tình trạng giảm phát kéo dài gần hai thập kỷ qua. Trong tháng 6/2013, chỉ số giá ở Nhật Bản đã tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên trong vòng 14 tháng qua chỉ số này tăng. Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso nói: “Có vẻ như xu hướng đang thay đổi theo hướng chuyển từ giảm phát sang lạm phát.”

Tuy nhiên, Thủ tướng Abe đã trì hoãn việc đưa ra quyết định về thuế tiêu dùng tới mùa Thu. Phát biểu trên truyền hình hôm 28/7, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết Thủ tướng Abe sẽ quyết định liệu có tăng thuế tiêu dùng hay không sau khi các số liệu chính thức về tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản trong quý 2/2013 được công bố (dự kiến vào ngày 9/9) và trước kỳ họp bất thường của Quốc hội. Ông Suga cũng nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu của chính quyền Abe hiện nay là đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng giảm phát.

Trước đó một ngày, hãng tin Kyodo đưa tin Hội đồng Chính sách Kinh tế và Tài chính sẽ mời một số chuyên gia kinh tế tham dự một cuộc họp trong tháng 8/2013 để thảo luận về các ảnh hưởng kinh tế của việc tăng thuế tiêu dùng trước khi Thủ tướng Abe có thể ra quyết định.

Các nguồn tin Chính phủ Nhật Bản cho biết ngoài việc tăng thuế tiêu dùng lên 8% theo đúng kế hoạch ban đầu, các phương án khác đang được cân nhắc bao gồm tạm ngừng tăng thuế hoặc tăng thuế với gia tốc 1%/năm.

Giữa hai con đường

Theo các chuyên gia phân tích, Thủ tướng Abe có thể sẽ quyết định tăng thuế tiêu dùng bởi vì điều này sẽ giúp khôi phục sự lành mạnh của nền tài chính Nhật Bản trong bối cảnh tỷ lệ nợ công/GDP của nước này đã gần vượt ngưỡng 200% và một số tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang thúc giục Tokyo tăng thuế để giảm tỷ lệ nợ công.

Nếu việc tăng thuế tiêu dùng bị trì hoãn, điều này có thể sẽ ảnh hưởng xấu tới xếp hạng trái phiếu của Chính phủ Nhật Bản, khiến các nhà đầu tư bán tháo trái phiếu và châm ngòi cho việc lãi suất dài hạn tăng. Điều này cũng sẽ làm giảm nhu cầu trong nước, đồng thời đẩy lãi suất cho vay thế chấp và chi phí vay vốn của doanh nghiệp tăng.

Trước đó, chính quyền Abe đã cam kết soạn thảo các kế hoạch cải cách ngân sách trung hạn vào tháng 8/2013 để đạt được cam kết quốc tế giảm 50% tỷ lệ thâm hụt ngân sách cơ bản/GDP vào tài khóa 2015 và đưa cán cân thu - chi ngân sách trở lại trạng thái thặng dư vào tài khóa 2020.

Chuyên gia kinh tế trưởng Kazutaka Miyazaki của Viện Nghiên cứu Mizuho nhấn mạnh, việc đưa cán cân ngân sách cơ bản trở lại trạng thái thặng dư sẽ “không khả thi” nếu không tăng thuế tiêu dùng lên mức 15%.

Tuy nhiên, điều quan trọng là thuế tiêu dùng sẽ tăng lên mức nào. Một số chuyên gia phân tích cho rằng có thể Thủ tướng Abe sẽ lựa chọn phương án thận trọng là tăng thuế tiêu dùng với nhịp độ chậm hơn so với kế hoạch ban đầu (có thể là với tốc độ tăng 1%/năm) cho dù Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda và Phó Thủ tướng Aso đều ủng hộ phương án tăng thuế tiêu dùng lên 8% vào tháng 4/2014.

Hôm 23/7, ông Aso khẳng định “trên bình diện quốc tế, chúng tôi đã cam kết” tăng thuế tiêu dùng, đồng thời nhắc lại ý định của mình là tăng thuế theo đúng kế hoạch ban đầu. Trong khi đó, hôm 29/7, ông Kuroda nói: “Các nhà hoạch định chính sách (của BOJ) tin rằng việc tăng thuế tiêu dùng theo hai giai đoạn sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng tới tăng trưởng kinh tế”; “Điều cực kỳ quan trọng là thúc đẩy các nỗ lực nhằm thiết lập một cơ cấu tài chính bền vững để bảo đảm lòng tin vào quản lý tài chính”.

Mặc dù vậy, một số chuyên gia kinh tế lo ngại việc tăng thuế tiêu dùng lên 8% có thể ảnh hưởng tới chi tiêu tiêu dùng cũng như đà phục hồi kinh tế vẫn chưa vững chắc của nước này. Ông Yoshiki Shinke, chuyên gia kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Cuộc sống Dai-ichi, cho rằng, nếu Chính phủ tăng thuế tiêu dùng, nền kinh tế Nhật Bản “sẽ suy giảm mạnh do việc thu nhập thực sự có thể sử dụng giảm sẽ làm giảm chi tiêu dùng”.

Cùng chung nhận định đó, Phó Giáo sư Yasuyuki Iida của Đại học Meiji ở Tokyo, nói việc tăng thuế tiêu dùng sẽ không có lợi cho việc củng cố nền tài chính của Nhật Bản bởi vì, động thái này có thể sẽ tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế và cuối cùng là làm giảm nguồn thu từ thuế.

Để chuẩn bị cho khả năng Chính phủ tăng thuế tiêu dùng, hôm 23/7, Bộ trưởng Aso cho biết ông muốn soạn thảo một dự thảo ngân sách bổ sung để ngăn ngừa các tác động tiêu cực của việc tăng thuế đối với nền kinh tế Nhật Bản.

Trong bối cảnh đó, có thể thấy vấn đề tăng thuế tiêu dùng vẫn là một bài toán chưa có lời giải đối với Thủ tướng Abe. Có lẽ sẽ phải chờ đến tháng 9/2013 – thời điểm chính quyền Abe đã có những cái nhìn chính xác về tình hình kinh tế nước này sau khi có các số liệu đầy đủ về quý 2/2013 - thì mọi chuyện mới trở nên rõ ràng./.

Thanh Tùng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục