“Đại gia” trồng nho

“Đại gia” trồng nho ở Bình Thuận

Làm ăn hiệu quả từ vườn cây trái, anh Năm Mưa đã được người dân làng Chăm ở Tuy Phong (Bình Thuận) phong là "đại gia" trồng nho.
Năm Mưa là cái tên thân mật mà người dân ở làng Chăm, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong (Bình Thuận) dành cho anh Nguyễn Văn Mưa - một “đại gia” trồng nho của người Chăm.

Trong khi rất nhiều hộ trồng nho hiệu quả thấp, thì gần 1,3ha nho với khoảng 3.000 gốc của gia đình anh mùa nào cũng xanh tốt và cho năng suất cao, bình quân mỗi vụ thu hoạch từ 13-15 tấn, trừ chi phí, mỗi năm anh còn lãi từ 80-100 triệu đồng.

Những năm 1990, cuộc sống của gia đình anh Năm Mưa rất khổ, trồng lúa không đủ ăn, phải làm thuê, cuốc mướn. Gia đình anh quyết tâm thành lập vườn cây ăn trái từ những chân ruộng sản xuất lúa bấp bênh, không hiệu quả. Anh chịu khó học hỏi, tìm cách làm ăn mới và đầu tư, ứng dụng kỹ thuật vào trồng nho.

Khác với mọi người trong làng, anh sử dụng nhiều lượng phân chuồng để chăm sóc nho, hạn chế sử dụng phân hóa học vừa tốn kém vừa gây hại cho cây trồng. Anh còn chú ý đến việc làm hệ thống thoát nước để nho không bị ngập úng vào mùa mưa đồng thời phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng đúng cách theo khuyến cáo của ngành chức năng.

Mỗi mùa thu hoạch nếu không lãi nhiều do được giá (giá tăng cao), thì cũng có thu nhập, đủ chi phí và có dư để đầu tư cho vụ sau. Ngoài ra, gia đình anh còn tổ chức thu mua nho của bà con trong làng, đem lại thu nhập 10-15 triệu đồng mỗi năm.

Không dừng lại ở cây nho, gia đình anh còn thâm canh 3ha ruộng lúa. Để có phân bón cho cây nho, cây lúa, anh đầu tư nuôi hàng chục con bò, tận dụng được nguồn phân bón phục vụ cho cây trồng, tiết kiệm một phần trong chi phí sản xuất.

Hiện nay, trừ mọi chi phí, gia đình anh Năm Mưa thu nhập khoảng 150 triệu đồng mỗi năm và tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động và 10 lao động khác theo thời vụ.

Sắp tới anh Mưa sẽ cải tạo và mở rộng diện tích trồng nho thêm 0,6ha trên diện tích sản xuất lúa không đạt hiệu quả và đầu tư phát triển chăn nuôi để có thêm nguồn phân bón.

Anh Nguyễn Văn Mưa còn luôn sẵn sàng chia sẻ khó khăn cùng bà con trong làng, tận tình giúp vốn, kinh nghiệm sản xuất, làm ăn và hướng dẫn bà con áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi để bà con trong làng Chăm, xã Phú Lạc cùng vươn lên thoát khỏi đói nghèo./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục