Sao vẫn còn e ngại?

Bệnh viện tư - Sao vẫn còn e ngại?

Bước chân đến bệnh viện tư, bạn sẽ được thăm hỏi ân cần, hướng dẫn chu đáo. Vậy mà vẫn chưa nhiều người bệnh chọn nơi này.
Dịch vụ là khâu luôn được các bệnh viện tư chú trọng nhằm “kéo” những bệnh nhân (có khả năng chi trả) từ những bệnh viện công vốn đông đúc ngột ngạt. Nhưng chất lượng khám chữa bệnh là điều khiến họ còn ngần ngại.

Nhiệt tình, chu đáo

Bệnh viện đa khoa Hợp Lực (Thanh Hóa) có quy mô 210 giường điều trị nội trú là bệnh viện tư nhân đầu tiên ở tỉnh này. Từ năm 2008, khi các bệnh viện tư nhân được phép khám bảo hiểm y tế, số thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám chữa bệnh ở đây là 25.000 thẻ.

Bác sỹ Nguyễn Thanh Vân, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hợp Lực, cho biết khi đến bệnh viện hầu hết người bệnh đều quan tâm đến cung cách phục vụ của y bác sỹ. Đến thời điểm này, Bệnh viện đa khoa Hợp Lực đã cử 4 hướng dẫn viên được đào tạo về giao tiếp ứng xử chỉ để hướng dẫn bệnh nhân vào các phòng khám nhiệt tình chu đáo.

Bệnh viện tư nhân Hà Nội Medicare cũng đào tạo riêng một đội ngũ hướng dẫn bệnh nhân rất nhiệt tình. Chỉ cần bước qua cửa bệnh viện, người bệnh sẽ được thăm hỏi, hướng dẫn, có người đưa đến tận phòng khám và trong lúc chờ đợi còn được mời uống nước.

Hệ thống cơ sở hạ tầng cũng được các bệnh viện tư nhân đầu tư khá tốt. Ở các bệnh viện tư không có cảnh hai người nằm chung một giường hoặc người nhà nằm lăn lóc dưới sàn để trông người bệnh.

Nếu phải điều trị nội trú, tất cả việc chăm sóc người bệnh, từ thuốc men tới việc ăn uống đã có bệnh viện lo chu tất. Hiện tại rất nhiều bệnh viện tư nhân áp dụng những mô hình quản lý bệnh nhân mới.

Tại Hanoi Medicare, bệnh nhân có thể đăng ký trước lịch khám của mình với các giáo sư chuyên ngành. Bệnh nhân có thể sử dụng thẻ khám bệnh điện tử, thẻ trả trước tại bệnh viện, được khuyến mại 10%...

Thiếu y bác sĩ giỏi?

Một người bệnh sau khi khám tại một bệnh viện tư nhân tại Hà Nội cầm đơn thuốc trên tay đi rất nhiều cửa hàng dược phẩm nhưng không mua được thuốc. Các dược sỹ bảo anh, những loại thuốc trong đơn giờ rất hiếm, thậm chí không còn sản xuất nữa.

Bác sỹ kê đơn thuốc này là người chưa cập nhật các loại thuốc thay thế. Đây là tình trạng khá phổ biến hiện nay ở nhiều bệnh viện tư nhân. Hệ thống giáo sư đầu ngành phụ trách các chuyên khoa tại những bệnh viện này hầu hết là các bác sỹ đã nghỉ hưu.

Bên cạnh đó, những bác sỹ phụ trách phẫu thuật, hoặc chuyên ngành hẹp ở bệnh viện tư nhân hầu hết là có biên chế tại bệnh viện công, bởi vậy không phải lúc nào cũng sẵn sàng xử lý các ca bệnh ở mọi thời điểm.

Chính sự hạn chế về nhân lực trong bệnh viện tư nhân khiến người bệnh chưa hoàn toàn tin tưởng. Theo Bộ Y tế, mặc dù khâu dịch vụ tại các bệnh viện tư rất tốt nhưng công suất sử dụng giường bệnh ở đây chỉ đạt chưa tới 70%.

Lý do chính được đưa ra là các bệnh viện tư vẫn còn đầu tư manh mún về hệ thống máy móc, chưa đáp ứng được các nhu cầu điều trị của bệnh nhân. Chi phí cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến bệnh nhân ngần ngại.

Từ năm 2008, khi các bệnh viện tư được phép tiếp nhận bệnh nhân có bảo hiểm y tế, người bệnh có thẻ chỉ phải trả mức phí phụ trội so với mức chi trả của thẻ. Tuy nhiên mức phí khám tại các bệnh viện tư (tùy chuyên khoa) thường cao hơn so với bệnh viện công.

Hiện tại, khi chủ trương khuyến khích đầu tư xây dựng bệnh viện đã được ban hành và cụ thể hóa, nhiều dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bệnh viện cũng đã được phê duyệt với quy mô từ 500 - 1.500 giường điều trị nội trú. Khi đi vào hoạt động, cơ sở vật chất, máy móc trang thiết bị của những bệnh viện này sẽ được đầu tư đồng bộ hơn.

Tuy nhiên, chắc chắn không phải ai cũng sẽ tiếp cận được với dịch vụ này khi tới năm 2011 vẫn còn tới khoảng 30% người dân ở mức nghèo và cận nghèo theo chuẩn mới, mặc dù chuẩn này vẫn thấp hơn nhiều so với chuẩn quốc tế./.
Bài viết được đăng tải theo thỏa thuận bằng văn bản giữa Tạp chí Doanh Nhân của VCCI và Vietnamplus.
(Doanh Nhân/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục