Huy động vốn đầu tư năng lượng: Vướng ở cơ chế giá

Ngành năng lượng có công nghệ phức tạp mang tính đặc thù cao và đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn. Vì vậy, việc thu xếp huy động vốn cho phát triển ngành năng lượng là nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên giải quyết. Tuy nhiên để thu hút được vốn đầu tư, các tập đoàn, tổ chức tín dụng cho rằng điều trước tiên Việt Nam cần thực hiện là qiải bài toán về cơ chế giá năng lượng theo thị trường.
Hội thảo về Giải pháp huy động nguồn vốn đầu tư phát triển năng lượng Việt Nam do Hiệp hội Năng lượng Việt Nam tổ chức ngày 7/7, tại Hà Nội đã thu hút được sự quan tâm của các tập đoàn, tổ chức tín dụng trong và ngoài nước.

Vấn đề quan trọng nhất được các đại biểu nêu ra là làm sao giải quyết được bài toán về cơ chế giá năng lượng theo thị trường thì mới mong thu hút được nguồn vốn đầu tư.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, ngành năng lượng có công nghệ phức tạp mang tính đặc thù cao và đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn. Việc thu xếp huy động vốn cho phát triển ngành năng lượng là nhiệm vụ trọng tâm và cần giải quyết trước tiên.

Theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV), để đáp ứng nhu cầu phát triển, từ năm 2010 trở đi, TKV cần huy động một lượng vốn khoảng 25.000-30.000 tỷ đồng, tương đương 1,3-1,6 tỷ USD/năm; trong đó vốn cho than, điện chiếm đến 70-80% nhu cầu.

Tương tự, với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), các dự án kêu gọi đầu tư của PVN gồm các dự án hạ nguồn, cảng biển, bất động sản, đầu tư tài chính, trang thiết bị cho ngành dầu khí... Tổng nhu cầu vốn đầu tư của PVN giai đoạn 2010-2015 khoảng 75 tỷ USD, riêng phần vốn phải thu xếp của PVN vào khoảng 20 tỷ USD.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đậu Đức Khởi cho biết, tổng vốn đầu tư ngành điện theo Quy hoạch Điện VI là 80 tỷ USD, tuy nhiên hiện nhiều dự án vẫn còn trên giấy do thiếu vốn đầu tư.

Hiện EVN vẫn còn thiếu khoảng 40 tỷ USD nữa, trong khi việc kêu gọi vốn đầu tư là rất khó khăn. Theo ông Khởi, giá bán điện chưa theo giá thị trường nên thiếu vốn tái đầu tư, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài chỉ đầu tư nếu có giá điện hợp lý, có lãi.

Ông Khởi cho rằng, cách tính giá điện bậc thang như hiện nay là lỗi thời, không minh bạch và không vì người nghèo; đồng thời đề nghị Hiệp hội Năng lượng Việt Nam sớm có văn bản trình Chính phủ xem xét, điều chỉnh cơ chế giá.

Đồng quan điểm này, nhiều đại biểu cho rằng vấn đề mấu chốt chính là cơ chế giá chưa phù hợp và đề nghị cộng đồng doanh nghiệp phải sớm cùng với cơ quan quản lí nhà nước "ngồi lại" họp bàn để có chính sách phù hợp.

Đại diện Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, ngân hàng đã thẩm định và cho vay đối với hàng trăm dự án năng lượng trọng điểm của quốc gia trong thời gian qua.

Hiện tại, dư nợ của BIDV đối với ngành năng lượng khoảng gần 20.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là các dự án ngành điện. Tuy nhiên, theo BIDV, quy mô của các dự án năng lượng rất lớn, có thể lên đến hàng chục tỷ USD/năm, do đó nằm ngoài khả năng đáp ứng, cân đối vốn của các tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng trong nước.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Hữu Hào, Chính phủ có chủ trương điều chỉnh giá năng lượng theo cơ chế thị trường, và đang được tiến hành từng bước; đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc mời gọi các tổ chức tín dụng quốc tế đầu tư phát triển năng lượng tại Việt Nam, phát hành trái phiếu nước ngoài thu hút nguồn vốn, bảo lãnh từng phần hoặc toàn phần cho các dự án năng lượng quan trọng./.

Hoàng Tùng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục