Các chỉ số chứng khoán châu Á đã giảm đà lao dốc

Mức giảm ở thị trường chứng khoán châu Á ngày 9/11 đã chậm lại do cơn bán tháo cổ phiếu trên Phố Wall cũng phần nào dịu lại.
"Vách đá tài khóa" của Mỹ vẫn "sừng sững" trước mắt các nhà đầu tư cổ phiếu và khiến chứng khoán châu Á lại bước sang phiên giảm điểm thứ ba liên tiếp trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 9/11 khi cả ba thị trường chính trong khu vực đều đỏ sàn ngay từ những phút giao dịch đầu tiên.

Tuy nhiên, mức giảm đã chậm lại do cơn bán tháo cổ phiếu trên Phố Wall cũng đã phần nào dịu lại trong phiên giảm điểm thứ hai của thị trường này sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tái đắc cử.

Mặt khác, lạm phát đi xuống tại Trung Quốc trong tháng 10 (chỉ tăng 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 1,9% của tháng 9, khiến Bắc Kinh có nhiều dư địa hơn để nới lỏng chính sách tiền tệ), cùng một loạt số liệu kinh tế khác đã và sẽ được công bố vào cuối ngày của hai nền kinh tế đầu tàu là Mỹ và Trung Quốc, cũng giúp thị trường bớt lao dốc.

Theo số liệu chính thức công bố ngày 9/11, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đã tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức dự kiến trước đó, trong khi đầu tư của chính phủ cũng tăng 20% trong 10 tháng đầu năm 2012).

Đóng cửa phiên 9/11, màu đỏ vẫn bao trùm trên các bảng điện tử trong khu vực, trong đó chỉ số Shanghai Composite của sàn chứng khoán Thượng Hải (Trung Quốc) mất 0,12% (2,44 điểm) xuống 2.069,07 điểm; Hang Seng của Hong Kong tuột 0,85% (182,53 điểm) xuống 21.384,38 điểm; Nikkei 225 của Nhật Bản trượt 0,90%, (79,55 điểm) xuống 8.757,60 điểm; KOSPI của Hàn Quốc lùi 0,52% (10,00 điểm) về 1.904,41 điểm; A&P/ASX200 của Australia mất 0,49% (21,8 điểm) về 4.462,00 điểm và Weighted của Đài Loan (Trung Quốc) cũng đi xuống với mức giảm 0,70%.

Đêm trước (8/11), Phố Wall cũng có phiên giảm điểm thứ hai liên tiếp sau chiến thắng của ông Obama. Tuy nhiên, mức giảm đã phần nào dịu lại so với phiên lao dốc trước đó. Khả năng một cuộc chiến chính trị căng thẳng quanh "vách đá tài khóa" và vấn đề cắt giảm ngân sách giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, cùng tình hình ảm đạm hơn tại khu vực Eurozone đã làm nản lòng các nhà đầu tư Phố Wall và gây sức ép lên giá cổ phiếu.

Đóng cửa phiên 8/11, cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều sụt mạnh với Dow Jones Industrial Average mất 121,41 điểm (0,94%) xuống 12.811,32 điểm, Nasdaq Composite trượt 41,71 điểm (1,42%) về 2.895,58 điểm, trong khi S&P 500 mất 17,02 điểm (1,22%) xuống 1.377,51 điểm. Phiên trước (7/11), Dow Jones "mất đứt" 313 điểm - phiên mất điểm mạnh nhất của chỉ số này trong 1 năm qua, trong khi S&P mất gần 34 điểm và Nasdaq "đi" gần 75 điểm.

Cùng ngày, chứng khoán châu Âu cũng chúc đầu đi xuống, cùng chiều mất giá với đồng euro trong bối cảnh Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục và "chúa chổm nợ" Hy Lạp đã thông qua gói kinh tế khắc khổ.

Đóng phiên 8/11, cả ba chỉ số chính của châu Âu đều giảm điểm, trong đó FTSE 100 của Luân Đôn mất 0,27% xuống 5.776,05 điểm; DAX 30 của Đức lùi 0,39% về 7.204,96 điểm và CAC 40 của Pari giảm 0,66% xuống 3.407,68 điểm.

Cũng giống như thị trường Mỹ và châu Á, các mức mất điểm phiên này của châu Âu cũng giảm đi nhiều./.

Thùy Chi (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục