Lạc quan về tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu

Các nhà máy trên khắp thế giới đang sản xuất với tốc độ kỷ lục khiến nền kinh tế toàn cầu sẽ được phục hồi nhanh hơn mọi dự báo.
Ngày 21/4, các cơ quan phân tích kinh tế thế giới đều đưa ra dự báo lạc quan về thời kỳ tăng tốc của tiến trình phục hồi kinh tế thế giới.

Các số liệu mới nhất cho thấy các nhà máy trên khắp thế giới đang sản xuất với tốc độ kỷ lục khiến nền kinh tế thế giới phục hồi nhanh hơn mọi dự báo chỉ cách đây vài tháng.

Tại Mỹ, Viện quản lý nguồn cung (ISM) cho biết, sản lượng của các nhà máy tăng tám tháng liên tiếp và đã đạt tới nhịp độ tăng nhanh nhất kể từ tháng 7/2004 với số đơn đặt hàng tăng 60% trong tháng 3/2010.

Công nghiệp chế tạo chiếm 22% nền kinh tế Mỹ. Các công ty Mỹ sở hữu nguồn vốn dồi dào hơn 1.000 tỷ USD sẽ tiếp tục đẩy sản lượng của các nhà máy tăng liên tục trong nhiều tháng nữa, tạo thêm 45.000 việc làm kể từ đầu năm 2010 và mở ra những xu hướng mới cho công nghiệp chế tạo.

Chỉ số sức mua tăng từ 56,5 vào tháng Một lên 59,6 trong tháng Ba, vượt qua mọi dự báo của các nhà kinh tế.

Theo số liệu của tập đoàn tài chính Mỹ JPMorgan Chase, công nghiệp chế tạo toàn cầu tăng mạnh kể từ tháng Ba năm nay, đặc biệt nhanh ở Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc.

Sản lượng công nghiệp của các nhà máy ở Anh tăng với tốc độ nhanh nhất trong 16 năm qua.

Sản lượng công nghiệp của các nhà máy ở các nước thuộc khu vực đồng tiền chung euro tăng nhanh nhất trong 5 năm qua, đặc biệt ở Đức, Pháp, Hà Lan, Áo và Italy.

Số đơn đặt hàng xuất khẩu trên toàn cầu tăng cao nhất kể từ tháng 1/1998.

Công nghiệp ôtô thế giới cũng phục hồi nhanh với tất cả các hãng chế tạo ôtô lớn trên thế giới đều tăng doanh thu kể từ tháng Ba năm nay so với cùng tháng này năm trước, từ mức thấp nhất 21% của hãng General Motors (Mỹ) đến mức cao nhất là 43% của hãng Nissan Motor (Nhật Bản).

Hãng Ford Motor (Mỹ) cũng tăng doanh thu 40%.

Hãng tin tài chính Bloomberg của Mỹ nhận định những thành quả trong công nghiệp toàn cầu này sẽ báo trước sự phát triển tăng vọt trong thương mại toàn cầu.

Tuy nhiên, các cơ quan dự báo kinh tế thế giới cũng cảnh báo những nhân tố hiểm họa tiềm ẩn đối với nền kinh tế toàn cầu như lạm phát, thị trường bất động sản tiếp tục suy yếu, thất nghiệp và quan hệ căng thẳng trong thương mại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục