Bắc Cực đang... nóng

Bắc Cực ấm nhất trong khoảng 2.000 năm qua

Theo nghiên cứu, hiện tượng hiệu ứng nhà kính đã đẩy nhiệt độ ở Bắc Cực trong thập kỷ qua lên mức cao nhất trong ít nhất 2.000 năm qua.
Theo kết quả nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học quốc tế đăng trên tạp chí Khoa học của Mỹ số ra ngày 3/9, hiện tượng hiệu ứng nhà kính đã đẩy nhiệt độ ở Bắc Cực trong thập kỷ qua lên mức cao nhất trong ít nhất 2.000 năm qua, đảo ngược xu hướng mát mẻ tự nhiên kéo dài suốt hơn 4 thiên niên kỷ.

Nghiên cứu cho thấy dioxit carbon và các khí thải khác do các hoạt động của con người gây ra đã làm biến đổi chu kỳ 21.000 năm liên quan tới sự thay đổi dần dần khí hậu ở quỹ đạo Trái đất quay quanh Mặt trời. Điều đó lý giải cho sự thay đổi khí hậu tại Bắc Cực, biến nơi đây trở thành nạn nhân đầu tiên chịu tác động của tình trạng biến đổi khí hậu.

Xu hướng giảm nhiệt độ tại Bắc Cực bắt đầu từ khoảng 7.000 năm trước và nhiệt độ ở khu vực này đã hạ xuống mức thấp nhất trong cái gọi là "Kỷ băng hà nhỏ" kéo dài từ thế kỷ 16 đến giữa thế kỷ 19.

Theo các nhà khoa học, nguyên nhân của xu hướng trên là do hiện tượng chấn động ở quỹ đạo của Trái Đất đẩy vùng Bắc Cực ra xa Mặt Trời trong mùa hè.

Xu hướng này lẽ ra phải tiếp tục qua thế kỷ 20 và 21, nhưng điều đó đã không xảy ra vì khi băng biển Bắc cực tan chảy trong mùa hè, nó tan ra thành nước màu sẫm hấp thụ ánh sáng Mặt trời, làm gia tăng tình trạng hiệu ứng nhà kính khiến Trái đất ấm dần lên.

Cũng theo các nhà khoa học trên, việc Bắc Cực ấm dần lên đã làm ảnh hưởng tới các sông băng trên cạn và góp phần làm tăng mực nước biển trên toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục