Eurozone phải đối mặt với sức ép tăng quỹ cứu trợ

Bộ trưởng tài chính các nước Eurozone phải đối mặt với sức ép tăng quỹ cứu trợ để cứu các nước thành viên lâm vào khủng hoảng nợ.
Bộ trưởng tài chính các nước Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang phải đối mặt với sức ép tăng quỹ cứu trợ, trị giá 750 tỷ euro hiện nay, để cứu các nước thành viên lâm vào cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, tránh nguy cơ "căn bệnh hiểm nghèo" này lan sang toàn khu vực.

Trong báo cáo về kinh tế của 16 nước Eurozone, dự kiến đưa ra tại cuộc họp các bộ trưởng tài chính các nước Eurozone diễn ra ở Brussels (Bỉ) ngày 6/12, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn kêu gọi các nhà lãnh đạo tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu tăng cường nguồn lực cho thể chế tài chính nói trên, đồng thời hối thúc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đẩy nhanh tiến trình mua trái phiếu chính phủ nhằm giảm sức ép cho những nước có nguy cơ rơi vào khủng hoảng.

Theo IMF, Eurozone cần có một quỹ cứu trợ lớn hơn để hỗ trợ những nước thành viên đang gặp khó khăn và sử dụng nguồn tài chính này linh hoạt hơn, trong đó bao gồm cả việc trợ giúp hiệu quả hơn cho hệ thống ngân hàng.

IMF cũng cho rằng tốc độ phục hồi của Eurozone có thể bị chệch hướng do những khó khăn trên thị trường tài chính.

Nhằm tăng cường lòng tin của thị trường đối với khu vực ngân hàng của Eurozone, IMF kêu gọi tăng cường việc sát hạch bắt buộc và nghiêm khắc đối với các ngân hàng trên phạm vi toàn Liên minh châu Âu (EU) cũng như tại mỗi quốc gia, trong đó có việc sát hạch tính thanh khoản nhằm làm minh bạch hơn các tài sản khác nhau.

Theo kế hoạch, bộ trưởng tài chính các nước thành viên EU sẽ nhóm họp cùng với các nhà lãnh đạo tài chính Eurozone trong ngày 7/12 để chính thức thông qua gói cứu trợ trị giá 85 tỷ euro (114 tỷ USD) cho Ireland, một thành viên trong khu vực đồng tiền chung đang lâm vào khủng hoảng với số nợ công lên tới 155 tỷ euro và thâm hụt ngân sách kỷ lục 32% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Dự kiến, các bộ trưởng cũng sẽ thảo luận về những tiến triển trong vấn đề cải cách quy định ngân sách của EU. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, cuộc thảo luận sẽ diễn ra khá căng thẳng do những tranh cãi liên quan đến việc liệu những quy định về ngân sách của EU đã được sửa đổi có cho phép các nước khấu trừ chi phí cải cách chế độ hưu trí từ khoản thâm hụt ngân sách hay không./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục