Tổng thống Brazil từng bị tra tấn dã man trong tù

Tổng thống Brazil, vốn là một du kích, từng bị tình báo Brazil theo dõi vào cuối thời kỳ độc tài quân sự và từng bị tra tấn dã man.
Tổng thống Brazil, Dilma Rousseff, vốn là một du kích theo chủ nghĩa Marx, từng bị tình báo Brazil theo dõi vào cuối thời kỳ độc tài quân sự ở nước này thậm chí còn từng bị tra tấn dã man khi ở tù.

Nhật báo O Globo đăng tải các hồ sơ từ Ban thư ký các vấn đề chiến lược cho tổng thống cho biết Rousseff vẫn bị giám sát trong thời kỳ của tổng thống được bầu dân chủ Fernando Collor de Mello (1990-1992).

Ở tuổi 64 tuổi, Rousseff là nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử Brazil sau khi lên thay ông Lula da Silva hồi năm ngoái. Bà đã gia nhập cuộc chiến chống chế độ độc tài quân sự trong giai đoạn 1964 tới 1985 khi mới 16 tuổi và là thành viên nhiều nhóm cách mạng vũ trang khác nhau.

Năm 1970, bà bị bắt và giam giữ trong gần ba năm, rồi bị tra tấn để buộc bà cung khai những du kích đồng đội.

“Tên của Dilma xuất hiện trong hồ sơ của cơ quan tình báo liên hệ bà với các hoạt động đối lập chống chính quyền quân đội và đề cập tới các tổ chức cánh tả mà bà là thành viên,” O Globo nói.

Sau đó Rousseff làm việc ở chính quyền bang Rio Grande do Sul, nơi bà vẫn bị giám sát.

“Tháng 4/1991, tên của Dilma xuất hiện trong một báo cáo khác của các mật vụ,” lần này do liên hệ của bà với chủ tịch Quỹ kinh tế và thống kê Rio Grande do Sul, tờ nhật báo viết.

O Globo nói mật vụ của chính quyền Collor de Melo cũng theo dõi cựu tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva, người khi đó là lãnh đạo Đảng Lao động trung tả, hiện là một phần của liên minh cầm quyền.

Ông Lula, rất được lòng dân, là người tiền nhiệm và đỡ đầu chính trị cho bà Rousseff.

Theo một cuốn hồi ký chưa biên tập được truyền thông đăng tải lại, bà Rousseff từng bị tra tấn bằng điện và treo ngược trên dây thừng dưới chế độ độc tài quân sự. Những kẻ tra tấn đánh đập và dọa cắt ngón tay bà. Mãi cho tới gần đây, bà vẫn gặp vấn đề khi ăn uống do xương hàm đã bị lệch vì bị đánh quá nhiều lúc còn ở tù.

Hồi tháng 5, bà Rousseff đã thành lập một ủy ban tìm kiếm sự thật có nhiệm vụ điều tra những vụ bắt giữ có động cơ chính trị thời chiến tranh lạnh, các vụ xâm hại nhân quyền và giết người trong giai đoạn 1946-1988, một thời kỳ dài hơn chế độ độc tài quân sự tại Brazil.

Nhưng ủy ban này không dỡ bỏ một luật ân xá vào năm 1979, đã được Tòa án tối cao Brazil ra phán quyết giữ nguyên năm 2010. Luật này mở đường cho sự trở lại của những kẻ lưu vong chính trị và bảo vệ những kẻ phạm tội dưới chế độ độc tài.

Theo ước tính chính thức, khoảng 400 người Brazil đã bị sát hại hoặc biến mất dưới chế độ quân sự, so với 3.200 ở Chile và 30.000 ở Argentina./.

Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục