Bắc Kạn, Cao Bằng đối phó khai khoáng trái phép

Bắc Kạn và Cao Bằng nhất trí đánh giá tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực giáp ranh đang diễn ra rất nóng bỏng.
Hai tỉnh Bắc Kạn và Cao Bằng nhất trí đánh giá tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực giáp ranh đang diễn ra rất nóng bỏng, tập trung đông người và sử dụng nhiều máy móc công suất cao gây ô nhiễm trầm trọng cho môi trường tự nhiên.

Tại buổi làm việc bàn biện pháp giải quyết tình hình hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại các khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Bắc Kạn và Cao Bằng, diễn ra ngày 7/5, lãnh đạo hai tỉnh nhất trí cho rằng những khu vực bị khai thác đa phần là chưa có tài liệu nghiên cứu, thăm dò nên chưa có quy hoạch.

Việc xử lý tình trạng này chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa hai tỉnh nên xảy ra tình trạng, đối tượng khai thác trái phép bị giải tỏa bên tỉnh này lại chạy sang tỉnh kia chờ dịp quay lại.

Lưu vực sông Năng gây ô nhiễm cho hồ Ba Bể, còn sông Hiến gây ô nhiễm lưu vực thị xã Cao Bằng. Chế tài xử lý phương tiện khai thác chưa đủ mạnh, phương tiện khai thác nếu là hợp đồng thuê, lại phải trả lại nên tính răn đe không cao…

Ông Nguyễn Văn Du, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn nêu rõ cần phải có lộ trình riêng, thống nhất hành động để giải quyết triệt để vấn đề này, làm sao để mỗi người dân tại địa bàn giáp ranh cũng tham gia nhiệt tình cho việc chống khai thác khoáng sản trái phép.

Còn ông Lý Hải Hầu, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng cũng cho rằng phải giải tỏa ngay những điểm nóng, không cấp phép thăm dò, khai thác tại những khu vực đầu nguồn sông Năng và sông Hiến, tập trung tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân…

Lãnh đạo hai tỉnh thống nhất thành lập Ban chỉ đạo để lập kế hoạch giải tỏa; các cơ quan chuyên môn nghiên cứu để kiến nghị Chính phủ sửa đổi những vấn đề vướng mắc trong xử lý tịch thu phương tiện; kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có đánh giá trữ lượng để cấp phép khai thác.

Đồng thời, lãnh đạo hai tỉnh sẽ chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các huyện giáp ranh triển khai giải tỏa dứt điểm các điểm khai thác khoáng sản trái phép; tiến hành cho nhân dân và các chủ phương tiện ký cam kết không tổ chức và tham gia khai thác trái phép khoáng sản; đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới nhân dân vùng giáp ranh…

Hai tỉnh thống nhất sẽ có thông báo chung về nội dung buổi làm việc và chỉ đạo xử lý triệt để vấn đề khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn khu vực giáp ranh; sớm xây dựng quy chế phối hợp xử lý khai thác khoáng sản trái phép để giải quyết triệt để tình trạng bức xúc nói trên.

Hai tỉnh đã có Ban chỉ đạo riêng của từng tỉnh và cần thống nhất thời gian thực hiện giải tỏa giữa các địa bàn giáp ranh trong thời gian sớm nhất.

Khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh có hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, chủ yếu là khoáng sản vàng gồm dọc sông Năng đoạn giáp giữa xã An Thắng (Pác Nặm), Bành Trạch (Ba Bể) của Bắc Kạn với xã Phan Thanh (Nguyên Bình) tỉnh Cao Bằng; khu vực vàng gốc xã Đức Vân (Ngân Sơn) tỉnh Bắc Kạn với xã Quang Trọng (Thạch An) tỉnh Cao Bằng.

Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại các khu vực này đã diễn ra rất lâu từ những năm cuối của thập kỷ 80 đầu 90 của Thế kỷ 20 khi các huyện Ngân Sơn, Ba Bể và Pác Nặm vẫn còn thuộc tỉnh Cao Bằng.

Bên địa phận Bắc Kạn, sau một thời gian lắng xuống, từ năm 2007 đến nay, tình trạng khai thác trái phép lại bùng lên. Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo ngăn chặn giải tỏa, hàng chục đợt giải tỏa và xử phạt hành chính đã được thực hiện.

Tuy vậy, các đối tượng khai thác chỉ rút đi chừng một đến hai tháng lại quay lại. Hoạt động khai thác ngày càng quy mô và tinh vi hơn với những máy móc lớn như máy xúc, máy gạt, máy bơm công suất lớn…

Tình trạng khai thác trái phép khó giải quyết hơn khi chế tài thu giữ các thiết bị máy móc không xử lý được. Hiện nay, tại khu vực các xã Bành Trạch (Ba Bể), An Thắng (Pác Nặm), xã Đức Vân (Ngân Sơn) hễ thực hiện giải tỏa là các đối tượng lại chạy sang địa phận tỉnh Cao Bằng./.

T.S (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục