CIEM: 3 kịch bản tăng trưởng kinh tế của Việt Nam

Các kết quả dự báo từ mô hình kinh tế lượng vĩ mô của CIEM cho thấy trong năm 2010, kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao hơn 2009.
Các kết quả dự báo từ mô hình kinh tế lượng vĩ mô do Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện cho thấy trong năm 2010, kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2009.

Theo phân tích của CIEM, khả năng GDP cả năm sẽ vượt mục tiêu 6,5% mà Quốc hội đặt ra. Thậm chí, nếu theo đuổi mục tiêu tăng trưởng cao thì GDP cả năm có thể đạt mức tăng trưởng tới 6,87%, song kéo theo đó là sự tăng cao của lạm phát, thâm hụt thương mại và bội chi ngân sách.

Trên cơ sở phân tích đó, cộng với diễn biến kinh tế trong nước, CIEM đưa ra ba kịch bản cho kinh tế năm nay. Cụ thể, tăng trưởng GDP năm 2010 theo kịch bản thấp là 6,3%, kịch bản cơ bản là 6,54% và theo kịch bản cao là 6,87%.

Ở kịch bản thấp, GDP chỉ ở mức 6,3%, lạm phát là 8,1%, nhịp tăng xuất khẩu chỉ đạt 14,8% và thâm hụt thương mại là 8,2%, thâm hụt ngân sách 5,5%.

Ở kịch bản cơ bản, tăng trưởng GDP sẽ là 6,54%, lạm phát 8,54%, nhịp tăng xuất khẩu là 18,5%, thâm hụt thương mại là 9,3% và thâm hụt ngân sách ở mức 6,1%.

Với kịch bản cao, GDP sẽ đạt 6,87%, lạm phát lên tới 9,7%, nhịp tăng xuất khẩu ở mức 21%, thâm hụt thương mại sẽ là 10,6% và thâm hụt ngân sách sẽ tới 6,4%.

Kịch bản cao được dựng nên với dự báo nền kinh tế thế giới phục hồi nhanh hơn dự kiến và môi trường đầu tư của Việt Nam thuận lợi hơn, tiếp tục hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, giá dầu, giá nhập khẩu nguyên liệu công nghiệp và giá xuất khẩu nông sản không cao hơn so với kịch bản cơ bản vì năng lực sản xuất và lượng hàng tồn kho trên thế giới vẫn có thể đáp ứng nhu cầu gia tăng phục vụ sự phục hồi của nền kinh tế.

Với xu thế nền kinh tế thế giới phục hồi nhanh hơn, luồng vốn FDI vào Việt Nam cũng tăng mạnh và mức giải ngân sẽ tăng hơn năm 2009 tới 15%.

Tiến sĩ Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng CIEM cho rằng nếu như ưu tiên chính sách thay đổi, nghĩa là lựa chọn tốc độ tăng trưởng cao hơn theo kịch bản cao thì khả năng tăng GDP năm 2010 sẽ vào khoảng 6,87-7% và khả năng này sẽ đạt được.

“Chỉ có điều, theo đó, tăng trưởng cao sẽ dẫn đến tăng thâm hụt thương mại lên tới 10,6% GDP và thâm hụt ngân sách nhà nước sẽ khoảng 6,4% GDP, lạm phát ở vào khoảng 9,7%,” tiến sĩ Võ Trí Thành lưu ý.

Kịch bản thấp được CIEM đưa ra với giả định các điều kiện tăng trưởng kinh tế gặp bất lợi khi các bạn hàng thương mại có mức tăng trưởng thấp (chỉ khoảng 2,5%) trong khi đó giá dầu tăng thấp, giá nguyên liệu công nghiệp nhập khẩu không tăng và giá xuất khẩu nông sản lại giảm so với năm 2009.

Lượng vốn FDI giải ngân cũng như mức đầu tư từ ngân sách nhà nước chỉ tăng 5% so với 2009.

CIEM cho rằng khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% theo như kịch bản thấp hoàn toàn có thể trở thành hiện thực vì Việt Nam đang và sẽ tiếp nhận tác động tích cực của xu thế kinh tế thế giới và Chính phủ đã và đang thực thi chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt, thận trọng.

Các chỉ tiêu vĩ mô cơ bản được dự báo trong kịch bản cơ bản của CIEM đều cao hơn chỉ tiêu đặt ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2010.

Tiến sĩ Võ Trí Thành nhấn mạnh vấn đề ở đây chỉ còn là lựa chọn chính sách để ổn định kinh tế vĩ mô. Thời điểm hiện nay rất nhạy cảm và đòi hỏi nghệ thuật lựa chọn chính sách thật khéo léo, tránh gây bất ổn và giật cục.

Tiến sĩ Võ Trí Thành nói có thể nhiều người sẽ đặt vấn đề vì sao phải tập trung ổn định kinh tế vĩ mô trong thời điểm này khi mà các chỉ số kinh tế chính của chúng ta từ tăng trưởng GDP, tăng trưởng xuất khẩu cho tới lạm phát, thâm hụt cán cân thanh toán... đều tiếp tục có những cải thiện trong những tháng gần đây.

Theo lưu ý của tiến sĩ Thành, lạm phát tuy giảm nhưng hầu hết các dự báo cho thấy nó vẫn “loanh quanh” ở mức 8,5% đến 9% (tức là cao hơn mục tiêu của Chính phủ), điều đó chứng tỏ kỳ vọng và lo ngại là vẫn có.

Các yếu tố khác như thâm hụt cán cân thanh toán, thâm hụt ngân sách... tuy đã có những cải thiện nhất định nhưng chưa phải thực sự tích cực và vẫn còn những bất định.

Một điểm nữa cần đặc biệt nhấn mạnh là ổn định kinh tế vĩ mô không chỉ đáp ứng lợi ích ngắn hạn, mà yếu tố này là tối quan trọng cho vấn đề cải cách, tái cơ cấu kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn.

“Để đạt được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô thì kiên trì, nhẫn nại hơn một chút nữa, tránh vội vã là điều cần thiết hiện nay, mặc dù dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ đôi chút vẫn còn,” tiến sĩ Võ Trí Thành kết luận./.

Nguyễn Huyền (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục