Giá lương thực ở nước Anh tăng mạnh nhất châu Âu

Theo báo cáo CPI mới nhất do OECD công bố, Anh là nước có giá lương thực và năng lượng tăng mạnh nhất các nước OECD ở châu Âu.
Theo báo cáo Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mới nhất do Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) vừa công bố, Anh là nước có giá lương thực và năng lượng tăng mạnh nhất trong số các nước thành viên OECD ở châu Âu.

OECD cho biết giá lương thực ở "đảo quốc sương mù" trong tháng Tư tăng tới 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này cao hơn nhiều so với mức tăng 3,7% và 1,6% ở hai nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức và Pháp, và 1% ở nền kinh tế đầu tàu thế giới là Mỹ.

Giá năng lượng ở Anh trong tháng Tư cũng tăng tới 2,2%, gấp hơn bốn lần so với mức tăng giá năng lượng ở Đức. Trong khi đó, giá năng lượng ở nhiều quốc gia châu Âu khác, trong đó có Pháp, Bỉ, Đan Mạch và Tây Ban Nha, lại giảm đáng kể.

Tổ chức có trụ sở tại Paris này cho biết, mặc dù tỷ lệ lạm phát ở Anh đã giảm 0,4% xuống còn 2,4% trong tháng Tư nhưng vẫn còn cao hơn nhiều so với tỷ lệ lạm phát các nước thành viên OECD khác như Canada (0,4%), Đức (1,2%) Italy và Mỹ (1,1%) và Pháp (0,7%).

OECD công bố số liệu CPI chỉ vài tuần sau khi tổ chức này cho biết Anh đã bị tụt hạng về mức thu nhập trung bình của người dân trong số các quốc gia thành viên trong giai đoạn 2005-2011, từ vị trí thứ 5 xuống vị trí thứ 12 trong bối cảnh áp lực tài chính ngày càng gia tăng đối với người dân Anh do tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.

Bảng xếp hạng này được dựa trên ước tính thu nhập trung bình sau khi trừ thuế và phí bảo hiểm của các hộ gia đình và một số các yếu tố khác có ảnh hưởng đến tài chính của người dân như các loại thuế và phúc lợi xã hội.

Theo OECD, sự tụt hạng của "xứ sở sương mù" về thu nhập trung bình chủ yếu do đồng bảng bị mất giá, khiến cho giá cả hàng hóa và dịch vụ ở nước này tăng lên ngang bằng với các quốc gia thành viên OECD khác.

Báo cáo của OECD cũng cho biết tỷ lệ lạm phát trung bình ở 34 quốc gia thành viên đã tăng 1,3% trong tháng Tư, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 10/2009, trong khi tỷ lệ lạm phát ở Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng Tư là 1,2%, giảm đáng kể so với con số 1,7% trong tháng trước đó./.

Huy Hiệp/London (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục