“Bắt mạch” ngành y tế

“Bắt mạch” căn bệnh kinh niên của ngành y tế

Nếu xem tham nhũng là bệnh thì ngành y tế đang bị bệnh khá nặng với rất nhiều biểu hiện như nâng giá thuốc, vòi vĩnh người bệnh.
Nếu xem tham nhũng là một căn bệnh thì ngành y tế Việt Nam hiện đang bị bệnh khá nặng với rất nhiều biểu hiện như nâng giá thuốc, lợi dụng quyền hạn vòi vĩnh người bệnh, sai phạm trong mua sắm trang thiết bị y tế, lập hồ sơ khống để chiếm phí bảo hiểm y tế.

Muôn màu “bệnh” tham nhũng


Theo nhận định của nhiều chuyên gia y tế quốc tế, “vấn nạn” tham nhũng trong lĩnh vực y tế Việt Nam đang tồn tại khá phổ biến, ở hầu hết các mặt như quản lý nhà nước (việc cấp phép, mua sắm, tuyển dụng và thăng chức, tới quản lý tài chính); khâu cung cấp dịch vụ tại các cơ sở y tế và mối quan hệ với cán bộ trong ngành y tế (những khoản chi không chính thức, lạm dụng kiến thức nghề nghiệp, đối xử cực đoan và kê đơn quá nhiều loại thuốc vì "ăn dơ" với công ty dược); lạm quyền trong quản lý bảo hiểm y tế…

Ông Trần Quang Trung, Chánh Thanh tra Bộ Y tế thừa nhận, qua kiểm tra đã phát hiện hiện tượng một số ít thầy thuốc có biểu hiện lợi dụng nghề nghiệp kê đơn thuốc với nhiều loại tân dược đắt tiền nhằm hưởng hoa hồng hoặc nhận quà của các cơ sở kinh doanh dược phẩm.

Một số thầy thuốc còn móc nối đưa bệnh nhân từ bệnh viện công sang các bệnh viện và phòng khám tư, lạm dụng các xét nghiệm trong chẩn đoán... gây ảnh hưởng đến sức khỏe, khó khăn và lãng phí tiền bạc của người bệnh.

Trước tình trạng quá tải tại nhiều bệnh viện Trung ương, một số nhân viên y tế đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để vòi vĩnh, nhũng nhiễu bệnh nhân để nhận phong bì.

Đặc biệt, một số cơ sở khám chữa bệnh chưa thực hiện đúng chế độ thanh toán chi phí điều trị bảo hiểm y tế, lợi dụng chính sách để chi sai chế độ. Một số nơi, cán bộ nhân viên lấy thuốc, vật tư của Nhà nước đem ra thị trường bán để lấy tiền chia nhau.

Ông Nguyễn Thái Hồng, đại diện Thanh tra Chính phủ, cũng cho hay, Thanh tra Chính phủ đã kiểm tra và phát hiện một số cơ sở kinh doanh tân dược có dấu hiệu mua bán lòng vòng, nhằm nâng giá thuốc cao gấp nhiều lần so với giá kê khai đã đăng ký lưu hành tại Bộ Y tế (có cơ sở nâng giá bán gấp 3 lần giá kê khai).

Trong tổ chức đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, một số gói thầu không đảm bảo số lượng nhà thầu theo quy định. Việc ký kết hợp đồng chưa chặt chẽ, dẫn đến giao hàng chậm, sai mẫu… Có đơn vị đã chia nhỏ gói thầu để mua trang thiết bị bằng hình thức trực tiếp hoặc chào hàng cạnh tranh không tổ chức đấu thầu.

Nguyên nhân chính do mất cân đối cung-cầu

Theo ông Trung, sở dĩ tình trạng tham nhũng tồn tại như trên một phần là do cơ chế chính sách trong lĩnh vực y tế chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ và chưa nhất quán.

Một số viên chức có biểu hiện suy thoái về phẩm chất đạo đức, chạy theo đồng tiền, chỉ chăm lo quyền lợi cá nhân. Nhận thức về đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực tại một số lãnh đạo cơ sở y tế chưa đầy đủ, có biểu hiện của bệnh chạy theo thành tích.

Nhưng dưới góc độ của một nhà nghiên cứu thì Tiến sĩ Thaveeporn Vasavakul (Thái Lan), người có nhiều năm làm việc tại Việt Nam và là tác giả của đề tài “Tham nhũng trong lĩnh vực y tế: Quản lý cung ứng dịch vụ và tác động đến công tác giảm nghèo tại Việt Nam” cho rằng, tình trạng tham nhũng tại Việt Nam bắt nguồn từ các nguyên nhân mất cân đối giữa cung và cầu, các cơ chế tài chính hỗn hợp và tự chủ tài chính tạo ra xung đột giữa lợi ích công và lợi ích cá nhân, chế độ lương chưa tương xứng, bệnh nhân thiếu thông tin.

Hiện nay, dù hệ thống cung cấp dịch vụ y tế của Việt Nam chia làm 4 cấp: Cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã nhưng vẫn tạo nên sự mất cân đối trầm trọng trong cung và cầu.

Do cơ cấu lương chưa đủ thuyết phục nên đội ngũ nhân lực y tế ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa đang có sự chuyển dịch lớn sang nơi có thu nhập cao hơn, một số tỉnh miền núi nhiều năm nay chưa tuyển được thêm một bác sỹ nào. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng của hệ thống y tế cơ sở thì xuống cấp, lạc hậu, dẫn đến việc bệnh nhân ngày càng có xu hướng "chạy" lên các bệnh viện tỉnh hoặc trung ương.

Chính từ sự mất cân đối cung-cầu này đã tạo nên những khoản chi không chính thức. Những người bệnh có điều kiện vì vậy đã tìm cách để chi thêm tiền nhằm mục đích được ưu tiên sử dụng những dịch vụ mà không phải ai cũng được hưởng (do nguồn cung hạn chế), tiết kiệm chi phí, thời gian chờ đợi.

“Khi mức lương của nhân viên y tế thuộc khu vực công thấp, thì tham nhũng tất yếu được coi là chiến lược cho sự sống còn”, Tiến sĩ Vasavakul khẳng định. Các công chức sẽ tìm kiếm cơ hội làm việc khác thậm chí ngay cả trong giờ làm việc. Họ cũng sẽ chấp nhận các khoản thu nhập ngoài như là các khoản bổ sung vào lương để góp phần cải thiện đời sống.

Vậy nên, quá trình hoạch định và đưa ra chính sách về y tế cần cẩn trọng hơn nữa, việc cải cách quản lý nhà nước và tập trung hóa phải kết hợp với các biện pháp chống tham nhũng, chứ không nên "chạy theo" các vụ việc tham nhũng phát sinh.

Đơn cử, dù việc xây dựng hệ thống y tế của Việt Nam rất toàn diện như đã nêu, nhưng nếu tuyến dưới mãi không tuyển được bác sĩ thì sẽ rất mất thời gian để giải quyết mọi vấn đề liên quan. Lúc đó các bác sĩ giỏi sẽ “chạy” về những nơi có chế độ đãi ngộ tốt, kéo theo những vấn đề nhập nhằng trong tuyển dụng cán bộ ở những bệnh viện có thu nhập cao.

Người dân tìm cách “chạy chọt” bằng mọi cách để lên khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến trên. Và như thế sự quá tải do mất cân đối cung cầu và vấn nạn tham nhũng sẽ tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn như bấy lâu.

“Muốn chống tham nhũng hiệu quả cũng cần tăng cường hệ thống kiểm tra, giám sát”, Tiến sĩ Vasavakul nhấn mạnh. Hệ thống thanh tra y tế nên được tăng cường cả về quy mô nhân viên và kỹ năng nghề nghiệp. Cần có sự minh bạch hơn nữa về công tác chống tham nhũng.

Ngoài ra, một số khu vực quản lý y tế nhất định cần huy động sự hỗ trợ và đóng góp của xã hội để ngăn chặn tham nhũng và các hiện tượng tiêu cực trong việc chăm sóc y tế. Sự tham gia của người dân cũng là nhân tố cốt yếu trong quá trình chống tham nhũng vì chính họ là những người hưởng lợi trực tiếp từ các chính sách chăm sóc y tế./.

(Báo Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục