"Hợp tác y tế Việt Nam-Nhật Bản hiệu quả, bền vững"

Ngày 15/5, Diễn đàn 40 năm Hợp tác Việt Nam-Nhật Bản về y tế đã diễn ra ở Hà Nội, để thảo luận về những ưu tiên phát triển ngành y tế.
Ngày 15/5, Diễn đàn 40 năm Hợp tác Việt Nam-Nhật Bản trong lĩnh vực y tế đã được Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Bộ Y tế đồng tổ chức tại Hà Nội.

Đây được coi là một sự kiện quan trọng trong năm hữu nghị Việt-Nhật 2013. Diễn đàn được tổ chức nhằm đánh giá tổng kết thành quả hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực y tế và là cơ hội để hai bên thảo luận về các ưu tiên của ngành y tế cũng như định hướng hợp tác trong tương lai.

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết Nhật Bản hiện là một trong những nhà tài trợ ODA song phương lớn nhất cho Việt Nam nói chung và ngành y tế nói riêng. Thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế (JICA), chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ cho ngành y tế Việt Nam nhiều dự án viện trợ không hoàn lại, hợp tác kỹ thuật và nguồn vốn ưu đãi.

“Các dự án hợp tác với Nhật Bản đều được thực hiện rất hiệu quả, toàn diện và bền vững mang lại những đóng góp tích cực cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, tăng cường cơ sở hạ tầng bệnh viện, tăng cường năng lực chẩn đoán, điều trị, chăm sóc bệnh nhân và quản lý bệnh viện,” bà Tiến nhấn mạnh.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong thời gian qua, có ba bệnh viện đầu ngành của ba miền là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Chợ Rẫy đều được nhận viện trợ không hoàn lại của chính phủ Nhật Bản để nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị và hợp tác kỹ thuật. Ba bệnh viện trên đã và đang phát huy những thành quả các dự án đã đạt được, góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc y tế và mô hình bệnh viện vệ tinh tại các bệnh viện tuyến dưới.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, trong lĩnh vực y tế dự phòng, Nhật Bản đã hỗ trợ rất tích cực trong công tác tiêm chủng mở rộng. Sự hỗ trợ đó góp phần đáng kể vào các thành quả của ngành y tế như thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, khống chế bệnh sởi, phòng và hạn chế lây nhiễm HIV/AIDS, các dịch bệnh nguy hiểm như SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1.

Về lĩnh vực phòng chống bệnh truyền nhiễm, chính phủ Nhật Bản đã giúp Việt Nam xây dựng được nhà máy sản xuất vắcxin sởi hiện đại nhất Đông Nam Á, sau đó, chuyển giao thành công kỹ thuật sản xuất vắcxin sởi cho Việt Nam. Hiện tại, hàng năm có khoảng 2,5 triệu liều vắcxin sởi được cung cấp cho chương trình tiêm chủng. Từ cuối tháng 5 năm nay, dự án chuyển giao kỹ thuật sản xuất vắcxin kết hợp sởi-rubella sẽ tiếp tục được thực hiện.

[VN lần đầu tiên sản xuất vắcxin phối hợp sởi-rubella]

Bên cạnh đó, JICA cũng đang hợp tác với Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thực hiện dự án hợp tác kỹ thuật để tăng cường năng lực mạng lưới các phòng xét nghiệm về an toàn sinh học và kỹ năng xét nghiệm các tác nhân gây bệnh nguy hiểm.

Ngoài các dự án hợp tác nêu trên, JICA còn có dự án hỗ trợ người khuyết tật thông quan dự án Tăng cường dịch vụ phục hồi chức năng tại các tỉnh miền Nam và giúp nâng cao sức khỏe bà mẹ trẻ em thông qua dự án phổ biến sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ trẻ em tại 4 tỉnh điểm là Điện Biên, Hòa Bình, Thanh Hóa và An Giang.

Ông Tsuno Motonori - Trưởng đại diện JICA Việt Nam chia sẻ: “Sự hỗ trợ của Nhật Bản cho Việt Nam được hai bên đánh giá là rất toàn diện, đặc biệt là công tác đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống các bệnh viện trên toàn quốc. Chúng tôi mong muốn sẽ tiếp tục duy trì và phát huy các thành quả hợp tác, góp phần giúp Việt Nam nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Đầu tư cho y tế chính là đầu tư cho tương lai.”

Cũng tại diễn đàn, đại biểu hai nước thảo luận về những ưu tiên phát triển của ngành y tế, định hướng hợp tác với Nhật Bản và sự tham gia của các công ty tư nhân Nhật Bản vào lĩnh vực y tế Việt Nam.

Nhân dịp này, Bộ Y tế Việt Nam đã trao tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân cho ông Tsuno Motonori - Trưởng đại diện JICA Việt Nam./.

Thùy Giang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục