Không để "bão giá" ảnh hưởng các vận động viên

"Mặc dù ngành thể thao cũng phải chịu tác động không nhỏ do đợt suy giảm kinh tế toàn cầu mang lại, nhưng chúng tôi cam kết không để nguyên nhân này làm ảnh hưởng đến quá trình tập luyện của các tuyển thủ quốc gia," ông Phạm Ngọc Viễn, Giám đốc trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội đã mở đầu cuộc trao đổi với Vietnam+ như thế.

"Mặc dù ngành thể thao cũng phải chịu tác động không nhỏ do đợt suy giảm kinh tế toàn cầu mang lại, nhưng chúng tôi cam kết không để nguyên nhân này làm ảnh hưởng đến quá trình tập luyện của các tuyển thủ quốc gia," ông Phạm Ngọc Viễn, Giám đốc trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội đã mở đầu cuộc trao đổi với Vietnam+ như thế.

Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội đã từ lâu là địa chỉ tin cậy, nơi tập luyện quen thuộc của các đội tuyển thể thao quốc gia trước khi lên đường tham dự các kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games).

Năm 2009, trách nhiệm của trung tâm được nhân lên gấp đôi, khi nơi đây cũng đồng thời là "đại bản doanh" của đoàn thể thao Việt Nam chuẩn bị tham dự Đại hội thể thao châu Á trong nhà (Asian Indoor Games III) diễn ra tại 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh và Bắc Ninh cuối tháng 10, đầu tháng 11 tới.

Xin ông cho biết, hiện tại, trung tâm đang quản lý bao nhiêu đội tuyển quốc gia?

Ông Phạm Ngọc Viễn: Từ đầu năm đến nay, 37 đội tuyển với trên 700 huấn luyện viên, vận động viên đang từng ngày, từng giờ đổ mồ hôi trên sàn tập. Giai đoạn cao điểm được lãnh đạo trung tâm xác định là vào khoảng 2 tháng, trước khi diễn ra Asian Indoor Games III do Việt Nam đăng cai tổ chức và SEA Games 25 diễn ra tại nước bạn Lào.

Mặc dù nơi đây đóng vai trò là đại bản doanh chính, cùng với hai trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng phục vụ các đội tuyển tập luyện, nhưng do điều kiện cơ sở vật chất còn hạn hẹp, nên vận động viên ở một số môn thể thao đặc thù đã phải trau dồi thêm kỹ, chiến thuật thi đấu tại một số tỉnh, thành phố như: tuyển Aerobic và thể dục dụng cụ nữ tập ở Hải Phòng, tuyển xe đạp tập ở Hoà Bình...

Vậy chế độ sinh hoạt hàng ngày của các vận động viên tại trung tâm như thế nào?

Ông Phạm Ngọc Viễn: Tiêu chuẩn ăn của vận động viên được xây dựng với mức 120 nghìn đồng/người/ngày. Lương thực, thực phẩm được trung tâm nhập về từ các đầu mối tin cậy, có địa chỉ rõ ràng, đảm bảo hợp vệ sinh, đủ calo và chất dinh dưỡng.

Bên cạnh việc chăm sóc chu đáo từng bữa ăn hàng ngày cho vận động viên, việc nâng cao đời sống tinh thần cho các em cũng được trung tâm chú trọng. Ba ngày trong một tuần, trung tâm bố trí một nhạc công chuyên nghiệp phục vụ các vận động viên thích ca hát.

Sắp tới đây, chào mừng ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh 26/3 và ngày Thể thao Việt Nam 27/3, chúng tôi sẽ tổ chức buổi giao lưu văn nghệ thật hoành tráng nhằm tăng cường tình đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau giữa cán bộ, công nhân viên trung tâm với vận động viên, huấn luyện viên của các đội tuyển quốc gia.

Tuy nhiên cũng phải nói thêm rằng, để có kinh phí tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ như vậy, trung tâm cũng phải mày mò, tận dụng mọi điều kiện có thể, vừa xã hội hoá thể thao, vừa tăng thêm thu nhập. Giải bắn súng dành cho doanh nhân diễn ra vào ngày 14/3 vừa qua là một ví dụ cụ thể. Giải diễn ra tại trung tâm, sử dụng trường bắn, phương tiện thi đấu của trung tâm nên chúng tôi cũng có thêm nguồn thu mới.

Thời gian tới, trung tâm có kế hoạch nào để tu bổ, tăng cường cơ sở vật chất hiện có không, thưa ông?

Ông Phạm Ngọc Viễn: Đây là vấn đề quan tâm hàng ngày của chúng tôi, nhưng thú thực, biết là phải tăng cường bổ sung trang thiết bị tập luyện, tu bổ cơ sở vật chất, nơi ăn chốn ở cho vận động viên nhưng kinh phí mua sắm thì lại quá cao. Một chiếc thảm loại tốt, chuyên dùng của bộ môn thể dục thôi, đã có giá hơn 1 tỷ đồng rồi, chứ chưa nói gì đến việc sửa chữa, thay mới những thiết bị đắt tiền hơn, ví dụ như bộ phận điện tử tự động điều khiển bắn đĩa tại trường bắn đĩa bay Trap và Skeet (một bộ điều khiển điện tử loại này nếu nhập từ Đức có giá trên 2 tỷ đồng - PV).

Từ nay cho đến tháng 7 tới, nếu được cung cấp kinh phí, khoảng 13 tỷ trên tổng số 20 tỷ đồng, trung tâm sẽ tiến hành tu sửa khối nhà tập ở khu B, nâng cấp nhà ăn, lắp đặt một số máy điều hoà nhiệt độ trong phòng nghỉ của vận động viên. Nhưng hiện giờ, nhà nước đang vận động cơ quan, tổ chức và cá nhân tiết kiệm điện, nhất là trong dịp hè, hơn nữa, tiền điện lại đang ở mức cao nên trung tâm cũng phải tính toán sao cho thật hợp lý./.

Vũ Minh Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục