Giờ Trái Đất 2012: Hà Nội rộn ràng đêm “mất điện”

Giờ Trái Đất đã mang lại cho nhiều người gợi nhớ về những ký ức xa xưa và cũng là cách tạo dựng thói quen tiết kiệm năng lượng.
Không còn quá xa lạ với người dân thủ đô nhưng 60 phút “mất điện” của Giờ Trái Đất 2012 vẫn khiến nhiều người dân Hà Nội rộn ràng trong cảm giác ngày xửa ngày xưa.

Nhớ về Hà Nội ngày xưa

Bữa cơm nhà bác Tuyển (Hoàng Mai, Hà Nội) hôm nay bỗng gấp gáp hơn thường lệ. Ngày thường, đợi cho đông đủ mọi người, đến 8 giờ, cả nhà bốn người mới có thời gian quây quần bên mâm cơm. Chuyện trò một chốc, cũng phải đến 9 giờ mọi người ai mới về phòng nấy.

Thế nhưng, từ cách đây vài bữa, hai vợ chồng già đã dặn hai cô con gái về sớm. Bữa cơm cũng chóng vánh hơn thường lệ, chỉ 7 giờ hơn, cả nhà đã rảnh rang ngồi quanh chiếc tivi.

“Năm nào cũng thế, cứ đúng 8 giờ hơn là cả nhà tôi sẽ tắt điện để hưởng ứng Giờ Trái Đất,” bác Tuyển nói.

Hôm nay còn đặc biệt hơn với người cựu chiến binh già bởi đã lâu lắm rồi hai vợ chồng mới được hưởng cảm giác Hà Nội bỗng trở về một chốc như ngày xưa. Cảm giác ngột ngạt của hàng ngàn bóng điện cùng hun nóng đường phố đã khiến thủ đô dường như chật chội hơn.

“Hai vợ chồng già chẳng có sức ra khỏi nhà như lũ trẻ nhưng hai vợ chồng cũng chuẩn bị sẵn hai chiếc ghế trên tầng thượng để nhớ về Hà Nội ngày xưa,” bác Tuyển tâm sự.

Cũng như bác Tuyển, nhiều hàng xóm ở khu vực đường Lĩnh Nam tối nay cũng tự nguyện tắt bớt điện trong gia đình.

“Giờ Trái Đất năm nay tổ chức đúng khi kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, người ta phải thắt lưng buộc bụng để tiết kiệm chi tiêu, thế nên việc tắt đèn trong 60 phút lại càng mang ý nghĩa với nhiều người,” chị Thanh, một người dân ở đây tâm sự.

Ở khu vực Hồ Gươm, buổi tối thứ Bảy cuối cùng của tháng 3 là dịp để nhiều bạn trẻ được hòa mình vào không khí khác với ngày thường.

Khu vực Tràng Tiền, Hàng Bài, Hàng Khay… tối nay không khiến người ta hoa mắt vì những tấm biển quảng cáo chói mắt. Ngay từ 8 giờ tối, phần lớn con đường đổ về phía Hồ Gươm đã dần mất điện. Ánh sáng ở nhiều cửa hàng thậm chí đã bị hạn chế tối đa.

30 phút trước khi Hà Nội đồng loạt tắt điện, nhiều tuyến phố quanh khu vực trung tâm đã chật ních người đi đường. Con đường lát gạch quanh Hồ Gươm chỉ một chốc bỗng trở nên rộn ràng hơn bao giờ hết. Nhiều bạn trẻ thậm chí còn gửi xe cách đó khá xa để đi bộ về phía Hồ Gươm.

Ở một góc phía đầu đường Hàng Khay, nhóm sinh viên Đại học Giao thông Vận tải là những người thắp nến sớm nhất tại khu vực này. Để chuẩn bị, cả nhóm đã hẹn nhau mua hàng chục cốc nến thật lớn chuẩn bị cho buổi tối thứ Bảy đặc biệt năm nay.

“Lần tắt đèn trước, cả nhóm cứ tiếc mãi vì không chuẩn bị, hẹn nhau từ sớm. Mãi đến năm nay mới được đi với nhau. Trời lành lạnh, đường phố bỗng tắt phụt đèn, cảm giác ấy thật chẳng giống ngày thường,” Lê Lan Anh, một sinh viên trong nhóm tâm sự.

Không chỉ là 60 phút mất điện

Đúng 8 giờ 30 phút, toàn bộ ánh sáng khu vực Hồ Gươm, Nhà hát Lớn phụt tắt. Những tiếng đếm ngược tới giờ tắt điện bỗng vỡ tan thành âm thanh reo hò của hàng ngàn người.

Phần lớn mọi người đã dừng đi bộ. Nhiều người cứ đứng lặng im nhìn về phía Hồ Gươm bây giờ chỉ còn chút ánh sáng yếu ớt. Hàng chục tuyến phố, chỉ trong một chốc bỗng quên đi guồng quay hối hả của mình để dừng lại trong giây lát.

Bờ Hồ bao trùm trong không gian tối om, những vệt sáng vàng tỏa ra từ những cây nến do những tình nguyện viên, người dân tham gia đi bộ khiến khung cảnh đẹp lung linh, nhiều người hồ hởi với sự khác biệt so với cuộc sống thường nhật.

Tham dự đoàn mít tinh, bạn Nguyễn Thành Long, Sinh viên trường Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Những lần tham dự mít tinh Giờ Trái Đất đều mang lại cho mọi người cảm giác thích thú. Qua sự kiện này nhắc nhờ mọi người cần có ý thức tiết kiệm năng lượng không chỉ một giờ trong năm mà ngày nào cũng là Giờ Trái Đất.”

Cũng vào giờ này năm trước, Long cũng đã có mặt tại chính nơi này, tay cầm nến dạo quanh khu vực Bờ Hồ để hưởng ứng sự kiện này. Với Long và nhiều bạn trẻ khác, Giờ Trái đất đã khơi dậy ý thức sử dụng đèn điện ở gia đình và nơi học, làm việc một cách khoa học.

“Giờ Trái Đất tạo cho bạn trẻ nhận thức sâu sa hơn về dùng năng lượng. Không dừng lại ở đó, mọi người cần phải tuyên truyền đến người thân, bạn bè để 60 phút trong ngày 31/3 có ý nghĩa thiết thực trong việc nâng cao hành động,” Long bày tỏ quan điểm.

Với bác Trần Thị Hoài Thu, nhà phố Hàng Quạt, tắt đèn trong một giờ đồng hồ tạo cho người dân có trách nhiệm hơn trong việc dùng điện trong khi nguồn năng lượng này khi mà ngày hè có nhu cầu cao điểm nhất trong năm đã cận kề.

“Giá cả mặt hàng đều tăng trong đó có giá điện. Việc tắt đèn bớt dùng điện nếu không cần thiết cũng chính là tiết kiệm cho các chi phí đời sống sinh hoạt,” bác Thu nhận xét.

Chỉ trong một tiếng tắt điện ở Hà Nội và các thành phố trên thế giới, Giờ Trái Đất đã mang lại cho nhiều người sự khác lạ sơ với cuộc sống ngày thường, gợi nhớ về những ký ức xa xưa và cũng là cách tạo dựng thói quen tiết kiệm bảo vệ tài nguyên môi trường./.

Nhóm phóng viên (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục