Dịch vụ nội dung - giá trị cốt lõi khi triển khai 3G

Sự phát triển của 3G không phải là sự phủ nhận cái cũ, mà là sự tiếp nối trên nền tảng của 2G, nhiều thành tố của 2G được sử dụng lại.
“Công nghệ 3G và triển vọng tại Việt Nam” là chủ đề cuộc đối thoại trực tiếp của Thứ trưởng thường trực Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng, sáng 20/9, trên kênh VTC2 Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC.

Các câu hỏi đã được Thứ trưởng giải đáp xoay quanh một số nội dung như người dân sẽ được thụ hưởng những thành quả gì từ công nghệ 3G; nhà nước hỗ trợ gì cho doanh nghiệp khi triển khai công nghệ mới này tại Việt Nam; mạng 2G sẽ đi về đâu khi 3G ra đời…

Dịch vụ thông tin di động thế hệ thứ 3 (gọi tắt là 3G) là hệ thống dịch vụ thông tin băng rộng. Ngoài những dịch vụ giống thế hệ 2G, thì trên nền tảng truyền tải dữ liệu tốc độ cao, truyền tải hình ảnh, doanh nghiệp có thể phát triển ứng dụng các dịch vụ khác nhau như thương mại điện tử, ngân hàng, giải trí…

Ví dụ như truy nhập internet di động, vào các mạng xã hội, hay với một số dịch vụ tại ngân hàng (xác thực, chuyển tiền…) đảm bảo độ tin cậy và tốc độ nhanh hơn. Việc sử dụng nền tảng công nghệ 3G để đưa Internet về các trung tâm, bưu điện, trường học ở các vùng sâu, vùng xa cũng sẽ rẻ hơn việc sử dụng công nghệ vệ tinh, hoặc kéo đường cáp.

Để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình triển khai công nghệ mới, thứ trưởng Thắng cho biết nhà nước đã áp dụng một số biện pháp cụ thể. Chẳng hạn như, ở các nước phát triển, việc giành giấy phép 3G rất tốn kém thông qua đấu giá nhưng Việt Nam không dùng hình thức đó mà học theo mô hình của một số nước Bắc Âu là thi tuyển. Việc này không làm tốn kém vốn đầu tư của doanh nghiệp.

Ngoài ra, nhà nước còn hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo các điều kiện cần thiết như thủ tục hợp chuẩn, nhập khẩu các thiết bị… nhằm giúp doanh nghiệp có thể triển khai 3G một cách nhanh nhất.

Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng khẳng định sự phát triển 3G không phải là sự phủ nhận cái cũ, mà là sự tiếp nối trên nền tảng của 2G, nhiều thành tố của 2G được sử dụng lại. Vì thế, đây là sự phát triển tiếp theo chứ 3G không phải là kẻ hủy diệt 2G.

Hai mạng này cùng song song tồn tại phát triển, trong đó 3G sẽ tồn tại ở thành phố nhiều hơn. Khi 3G ra ngoài vùng phủ sóng thì được nhập vào mạng 2G nên có lúc sẽ khó phân biệt mà chỉ có thể gọi chung là mạng di động.

Đặc biệt, Thứ trưởng cho rằng khi 3G được triển khai thì dịch vụ nội dung số sẽ là cốt lõi để khai thác giá trị công nghệ này.

Băng thông của thế hệ thứ 2 là hạn chế nên dẫn đến các dịch vụ nội dung số của Việt Nam còn nghèo nàn. Nhưng khi hạ tầng 3G phát triển thì chắc chắn nội dung số cũng sẽ phát triển tương ứng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục