LHQ kêu gọi xóa bỏ tệ nạn buôn người

Ngày 3/3, phát biểu nhân kết thúc hội nghị về chống nạn buôn người tổ chức tại Manama (Bahrain), Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Miguel d'Escoto Brockmann nhấn mạnh nạn buôn người phải bị xóa sổ trong thế kỷ 21 và kêu gọi cộng đồng quốc tế chấm dứt tệ nạn này.

Ngày 3/3, phát biểu nhân kết thúc hội nghị về chống nạn buôn người tổ chức tại Manama (Bahrain), Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Miguel d'Escoto Brockmann nhấn mạnh nạn buôn người phải bị xóa sổ trong thế kỷ 21 và kêu gọi cộng đồng quốc tế chấm dứt tệ nạn này.
 
Buôn người là loại phạm tội mang lại lợi nhuận cao thứ ba trên thế giới, sau buôn lậu ma túy và vũ khí.
 
Ông Brockmann nêu rõ tuy Đại hội đồng Liên hợp quốc đã cam kết chống lại tệ nạn này trong một số nghị quyết quan trọng, nhưng để có những thay đổi thực tế, tin cậy và bền vững, chỉ riêng ý chí chính trị thì chưa đủ. Vì vậy, đã đến lúc phải huy động tinh thần dũng cảm và đạo lý trong từng con người và từng dân tộc để tạo ra những thay đổi cần thiết.
 
Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc nêu rõ hệ thống luật pháp của nhiều quốc gia vẫn chưa thừa nhận tính nghiêm trọng của loại tội phạm này. Theo báo cáo tháng trước của Văn phòng ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), 40% số quốc gia trên thế giới vẫn chưa kết tội những kẻ buôn người.
 
Ông Brockmann tỏ ý lo ngại rằng cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay có thể làm trầm trọng thêm tình trạng buôn người, cả vì nguồn cung những nạn nhân tiềm tàng lẫn nhu cầu lao động rẻ tăng lên.
 
Sau khi cho rằng vẫn thiếu nỗ lực toàn cầu để trừng trị những kẻ vi phạm, ông Brockmann kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường nỗ lực nhằm thực hiện nghị quyết tháng 12/2008 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, theo đó các nước tăng cường hợp tác chống buôn người và bảo vệ các nạn nhân của tệ nạn này.
 
Theo báo cáo tháng trước của UNODC, chỉ có 1% số nạn nhân của tệ buôn người được giải thoát. Giám đốc chấp hành của UNODC Antonio Maria Costa ước tính gần 80% số nạn nhân của tệ buôn người phục vụ cho hoạt động mại dâm, số còn lại là lao động rẻ tiền và trẻ em bị bóc lột sức lao động./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục