"Chúng tôi đã làm phim bằng cả trái tim"

Nói về phim tài liệu "40 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ", phát sóng từ 30/8, đạo diễn Vương Đức tâm sự: "Chúng tôi đã làm phim bằng cả trái tim".
Tối 30/8, VTV1 phát sóng tập đầu tiên của dự án phim tài liệu 25 tập 40 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, và 5 tập tiếp theo sẽ tiếp tục được phát trong các ngày 31/8 và từ 3 - 6/9.

Đây là dự án phim tài liệu do Hãng phim Truyện Việt Nam và Hội Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh sản xuất. Theo kế hoạch, khoảng hơn 10 đạo diễn được chọn lựa tham gia vào dự án này.

"Chúng tôi đã làm phim bằng cả tim” - đạo diễn Vương Đức, Giám đốc Hãng phim Truyện Việt Nam, đồng thời là đạo diễn tập 2 và tập 16 trong dự án trao đổi với phóng viên TTXVN.

Từ “Đi theo một câu Kiều” 20 năm trước

Có nhiều người bất ngờ khi biết Hãng phim Truyện Việt Nam được đặt hàng làm dự án phim tài liệu quan trọng này mà không phải là Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương - đơn vị “chuyên tài liệu”?

Trong số các đạo diễn phim truyện thành danh của điện ảnh Việt Nam, nhiều người khởi nghiệp từ phim tài liệu, hoặc từng làm phim tài liệu, như các đạo diễn Hải Ninh, Đặng Nhật Minh, Khắc Lợi, Khánh Dư... Đạo diễn phim truyện khi làm phim tài liệu, bên cạnh việc coi trọng tính chân thật, yếu tố hiện thực, còn mang vào phim phong cách sáng tạo riêng của phim truyện và của cá nhân nghệ sĩ.

Cá nhân tôi cho rằng, nếu chỉ đơn giản cần một bộ phim tuyên truyền với đầy ắp sự kiện, phía đặt hàng đã không cần đến chúng tôi. Vì thế, những người tham gia dự án này đều xác định phải dồn hết sức để tìm được cách kể riêng, cách thể hiện không lặp lại...

Hơn 10 đạo diễn tham gia dự án, sao phải nhiều đến vậy?

Để làm hay, làm ấn tượng, thì chỉ 1 tập đã ngốn rất nhiều thời gian, công sức của cả một tập thể làm phim. Tinh thần xuyên suốt 25 tập phim là bản Di chúc lịch sử của Bác Hồ. Nếu không đầu tư kỹ, nghiên cứu nhiều tài liệu, chắt lọc tư liệu để tìm những hình ảnh đắt và nghĩ được cách kể riêng, thuyết phục thì hiệu quả tuyên truyền cũng không cao.

Trước đây, anh đã từng làm một phim tài liệu về Bác Hồ. Với anh, đây có phải là thuận lợi để anh tiếp tục làm phim ở một đề tài mà không  phải đạo diễn nào muốn cũng có thể làm tốt?

Đó là câu chuyện của 20 năm trước, khi tôi mới tốt nghiệp đại học ở Nga về. Bộ phim có tên "Đi theo một câu Kiều" do Đài Truyền hình Nga đầu tư kinh phí. Chúng tôi đã “bói Kiều” ở trang 99, lấy câu: “Trăm năm tính cuộc vuông tròn/ Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông” làm “cái tứ” để thực hiện bộ phim này. Từ câu Kiều, chúng tôi đã vào quê Bác để tìm hiểu yếu tố quê hương, nguồn cội đã ảnh hưởng và làm nên phẩm chất, cốt cách con người Bác ra sao.

Sau bộ phim này, tôi có một số vốn tư liệu nhất định về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác.

Tuy nhiên, để làm tập 2 của dự án 40 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ tôi đã tìm đọc, tiếp cận nhiều tư liệu khác nhau. Đó là các văn kiện của Đảng; hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng; tư liệu hình ảnh của các đơn vị trong và ngoài nước đang lưu giữ...

Tôi cũng đã tìm được nhiều tư liệu quý, ít người biết, vì đây là những hình ảnh tư liệu mà các đạo diễn của Hãng phim Truyện đã ghi lại và lưu giữ trong kho từ nhiều năm nay. Đó là các tư liệu được lấy từ các bộ phim "Đảo tự do" của Khánh Dư, "Đi giữa mùa Xuân" của Xuân Chân; cảnh đốt pháo mừng chiến thắng...

Tìm ca sĩ Mỹ sáng tác bài Người thầy giáo Bác Hồ

Được biết, anh và đoàn phim đã sang Mỹ để tìm gặp ca sĩ đã sáng tác và hát bài "Người thầy giáo Bác Hồ" trong mấy chục năm qua?

Vâng, đó là ca sĩ Peter Seeger. Ông là một ca sĩ nổi tiếng của Mỹ, sống ở ngoại ô New York. Từ khi Bác còn sống, Peter Seeger đã sáng tác bài hát "Người thầy giáo Bác Hồ". Bài hát có câu: “Bác Hồ dạy cho toàn thế giới, dạy cho mọi người, những chàng trai Việt Nam khi bảo vệ quê hương họ có sức mạnh phi thường thế nào...”.

Peter Seeger xuất thân trong một gia đình nhà giáo, ông coi Bác Hồ như một người thầy. Những năm Bác còn sống, và cả sau khi Bác mất, trên làn sóng radio, chúng ta đôi lúc vẫn bắt được giọng hát cùng tiếng guitar bập bùng của Peter Seeger với những ca từ quen thuộc trên.

Dù đã 90 tuổi nhưng ông vẫn ôm đàn hát, bài hát về người thầy giáo Bác Hồ mà ông yêu mến.

Nếu để nói về cái riêng trong các tập phim anh thể hiện, anh sẽ nói gì?

Tôi làm phim này với cách của một đạo diễn phim truyện. Tôi đã sử dụng cần trục cao 8m và dàn đèn cực lớn để quay cảnh nhà sàn Bác trong đêm. Đây là cảnh mở đầu phim với lời chúc Tết cuối cùng của Bác, gợi cảm giác Bác vẫn hiện hữu như vẫn đang tồn tại, hiện hữu trong trái tim mỗi người.

Tôi cũng cho phục dựng tiếng leng keng của tàu điện trong 1 cảnh phim; tạo dựng không khí của những năm tháng chiến tranh khốc liệt qua những giai điệu nhạc.../.
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục