Hát cho Bác nghe

2 mẹ con hạnh phúc vì được hát cho Bác Hồ nghe

Hiếm có gia đình nào lại có nhiều thành viên cùng có chung niềm may mắn được gặp và hát cho Bác Hồ nghe như gia đình bà Lam.
Hiếm có gia đình nào lại có nhiều thành viên cùng có chung may mắn được gặp Bác Hồ như gia đình bà Lam và đặc biệt hơn khi cả hai mẹ con bà đều vinh dự được hát cho Bác nghe. Những lần được gặp, được hát cho Bác nghe như vậy đã có tác động to lớn đến cuộc đời của mẹ con bà sau này.

Hát lên lời biết ơn

Khuôn mặt phúc hậu của tuổi 84 luôn ánh lên niềm lạc quan, tin yêu vào cuộc sống, vào Đảng và Bác Hồ, bà Hoàng Thị Lam chậm rãi kể lại cho chúng tôi nghe những phút giây không thể quên trong những lần bà được gặp, hát cho Bác nghe.

Cuối năm 1956, bà Lam theo chồng là ông Nguyễn Song Tùng sang Đức khi ông được giao trọng trách làm đại sứ ở nước này. Năm 1957, trong một chuyến sang làm việc tại Đức, Bác Hồ có tới thăm Đại sứ quán Việt Nam, nhờ vậy, với tư cách là phu nhân của đại sứ, bà Lam đã được gặp Bác tại bữa tiệc chiêu đãi.

Còn rất xúc động trong giọng nói, bà kể: “Khi đó, tôi cảm thấy hết sức bất ngờ và sung sướng bởi Người mình thường kính yêu và luôn lấy làm tấm gương để dạy dỗ con cái lại xuất hiện ngay trước mặt. Niềm hạnh phúc vỡ òa, giây phút ấy suốt đời không bao giờ quên được.”

Lần thứ hai bà Lam được gặp Bác là lúc gia đình Đại sứ Nguyễn Song Tùng chuyển sang Nga để nhận nhiệm vụ Tham tán. Tuy bà không còn cảm giác ngỡ ngàng giống như lần đầu nhưng niềm hạnh phúc có được trong buổi gặp hôm đó không bao giờ vơi cạn bởi Bác đã quan tâm hỏi thăm về ông cụ thân sinh ra bà, rồi còn đề nghị bà hát cho Bác nghe.

Do trước đây có thời gian gia đình bà Lam sống ở Thái Lan, từng có những ngày tháng cùng bà con kiều bào nơi đây một lòng hướng về Đảng, về Bác và về đất mẹ nên bà đã xúc động hát một làn điệu dân ca Thái. Bài hát ca ngợi công ơn của dòng sữa mẹ nuôi con không gì so sánh được. Bà Lam cho biết, tên làn điệu dân ca này có thể dịch nôm na là “Ơn dòng sữa mẹ.”

“Lúc đó, Người ngồi hút thuốc, đôi mắt nheo nheo, chăm chú nghe tôi hát,” bà Lam vừa thấm những giọt nước mắt, vừa tâm sự.

Bà Lam rưng rưng xúc động bởi sự kiện ngày hôm ấy như đang òa về trước mắt bà. Gần một thế kỷ qua, bà vẫn luôn học tập theo gương Bác để sống giản dị, vị tha, cống hiến cho xã hội... Tuy đã ở tuổi xưa nay hiếm, đến lúc để con cháu phụng dưỡng nhưng bà vẫn tận tụy với vai trò Giám đốc Trung tâm UNESCO Thái cực trường sinh đạo.

Bà Lam còn hãnh diện cho biết, không chỉ có vợ chồng mà cả con trai bà cũng may mắn nhiều lần được gặp Bác.

Tiết mục đơn ca duy nhất dâng Bác

Theo lời chỉ dẫn của bà Lam, chúng tôi tìm gặp con trai bà, người từng có nhiều kỷ niệm sâu sắc về Bác Hồ là anh Nguyễn Xuân Thắng, Tổng thư ký Liên hiệp UNESCO thế giới (WFUCA), Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam.

Anh Thắng cho biết, anh từng là một đứa trẻ rất may mắn nhiều lần được gặp Bác Hồ và sự kiện làm anh ghi lòng tạc dạ nhất là lần anh được hát tặng Bác nhân dịp Người đến thăm trường thiếu nhi Internat Moskva ở Nga.

Anh hồi tưởng, ngày đó, cả trường Internat đã nhộn nhịp hàng tháng trời để chuẩn bị cho sự kiện trọng đại này. Các anh, các chị tập múa hát để chào đón Bác Hồ. Anh Thắng là học trò nhỏ nhất trường vì thế, anh được các anh chị chuẩn bị cho hẳn cho một tiết mục đơn ca với sự đệm đàn của anh Tiến Đức cùng trường.

Bài hát có từ thời chiến khu Việt Bắc ấy bây giờ anh vẫn thuộc làu làu: “Con chim xanh cúc cu/ Con chim vàng cúc cu/ Bầy chim ca hát líu lo trên cành xanh tốt thắm tươi/ Và giữ giang sơn oai linh cho giống nòi ngày mai…”

“Các anh chị lớn hơn thì hát hợp xướng, chỉ có tiết mục của mình là tiết mục đơn ca duy nhất. Nhờ bài hát đó mình đã được Bác Hồ hôn lên má và thưởng kẹo, được ngồi trong lòng Bác và chụp ảnh cùng với Người,” anh Thắng  bồi hồi.

Sau này, anh còn tiếp tục được gặp Bác. Đó là khi anh đã về theo học trong nước. Anh được chọn là một trong những học sinh ngoan, giỏi được đến chúc mừng sinh nhật Bác năm 1960. Lúc đó, anh đã vô cùng ngạc nhiên trước trí nhớ và sự quan tâm của Bác.

“Cụ xoa đầu tôi và hỏi về cha tôi ‘Ông Song Tùng có khỏe không?’ Câu hỏi đó đã khiến tôi vô cùng ngạc nhiên vì có bao nhiêu thiếu nhi gặp Bác và Bác chỉ mới gặp tôi 2 lần mà Bác vẫn nhớ,” anh Thắng cho biết.

Ngoài ra, còn một kỷ niệm sâu sắc về bác khiến anh Thắng không bao giờ quên đó là khi anh đạt điểm tuyệt đối trong kỳ thi tốt nghiệp cấp hai. Nhờ vậy, anh được vào Phủ Chủ tịch thăm Bác và được Bác thưởng cuốn sổ bên ngoài có hình bông hoa trong là ảnh Bác…

Anh Thắng nhấn mạnh, suốt những năm sau đó anh luôn có ý thức phấn đấu học hành chăm chỉ để đạt được thành tích cao. Ngay cả khi trưởng thành, tấm gương đạo đức về lòng nhân ái của Bác vẫn luôn là bài học lớn, suốt đời anh theo đuổi.

“Những lần may mắn được gặp Bác đã làm cho tôi luôn có cảm giác mình là người vinh dự đặc biệt được gắn với tên tuổi, khái niệm về Người. Bởi vậy, tôi luôn ý thức phải sống sao cho tốt đẹp, cao thượng,” anh Thắng khẳng định./.

Hạnh Mơ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục