Gánh nặng 7 tỷ người

Nhìn nhận gánh nặng của Trái Đất với 7 tỷ người

Tổng Thư ký LHQ cho rằng việc Trái Đất đang phải "gánh" 7 tỷ người là điều cộng đồng quốc tế cần nhìn nhận một cách nghiêm túc.
Ngày 31/10/2011- Trái Đất đã trở thành ngôi nhà chung của 7 tỷ người. Trong khi nhiều nước trên thế giới tổ chức những cuộc tuần hành và nhiều hoạt động khác nhằm đánh dấu mốc mới với công dân thứ 7 tỷ thì Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho rằng việc Trái Đất đang phải "gánh" 7 tỷ người là điều cộng đồng quốc tế cần nhìn nhận một cách nghiêm túc. Công dân thứ 7 tỷ được sinh ra trong hoàn cảnh mà ông Ban Ki-moon gọi là "thế giới của sự mâu thuẫn." Theo ông, trong thế kỷ 21, nhiều người đang sống xa hoa nhưng cũng có biết bao người khác phải sống trong cảnh bần hàn. Người đứng đầu Liên hợp quốc cho rằng sự kiện dân số thế giới cán đích 7 tỷ người nên được nhìn nhận như "lời kêu gọi hành động rõ ràng," bởi 7 tỷ con người trên thế giới là 7 tỷ nhu cầu được cung cấp đầy đủ thức ăn và năng lượng, có các cơ hội tốt về giáo dục, việc làm và được hưởng quyền tự do. Dân số thế giới ngày càng tăng và các cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đồng nghĩa với việc các nhà lãnh đạo trên thế giới có nguy cơ phải đối mặt với nhiều hơn những cuộc biểu tình như phong trào "Chiếm phố Wall" đang diễn ra ở Mỹ. Mỗi năm dân số toàn cầu tăng khoảng 78 triệu người. Các chuyên gia dân số cho rằng mức tăng này sẽ làm tăng nhu cầu về tài nguyên thiên nhiên và tạo ra áp lực ngày càng gia tăng cho hành tinh chúng ta. Vì vậy, nhân Ngày Dân số thế giới năm nay, Liên hợp quốc đã phát động chiến dịch toàn cầu "Hành động 7 tỷ người" tập trung vào bảy chủ đề chính gồm Giảm đói nghèo và bất bình đẳng; Tăng quyền cho phụ nữ và trẻ em gái; Vai trò của thanh niên trong việc làm thay đổi thế giới và tương lai; Sức khỏe sinh sản; Môi trường; Già hóa dân số; Đô thị hóa. Có thể thấy bảy chủ đề nói trên bao hàm tất cả các vấn đề mà dân số thế giới đang đặt ra. Theo ước tính của Liên hợp quốc, với 4,2 tỷ người, châu Á tiếp tục đứng đầu về số dân trong thế kỷ 21. Dự đoán, Ấn Độ (hiện có 1,24 tỷ dân) sẽ vượt Trung Quốc (hiện có 1,35 tỷ dân) trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2025 với 1,5 tỷ người. Dân số của châu Phi dự kiến sẽ tăng gấp ba, từ 1 tỷ người năm 2011 lên 3,6 tỷ người năm 2100. Nam Á và châu Phi là những nơi có mức tăng dân số lớn nhất. Theo ông Richard Kolladge - chuyên gia Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), khi dân số tăng nhanh hơn so với khả năng của chính phủ trong việc đáp ứng yêu cầu về dịch vụ, y tế và sức khỏe, quốc gia đó sẽ ngày càng nghèo đói. Dân số quá đông còn được xem như nguyên nhân chính làm hủy hoại môi trường, đói nghèo và bất ổn chính trị. Ngược lại, 1/3 số nước trên thế giới, chủ yếu là các nước phát triển, có tỷ lệ sinh sản dưới 2,1. Các quốc gia này lại đối mặt với "thảm họa dân số già" khi tỷ lệ sinh quá thấp không đủ để bù cho số người già qua đời. Điều này khiến các nước không đủ lực lượng lao động trẻ để duy trì tăng trưởng kinh tế và nuôi dưỡng người già. Nhật Bản và nhiều nước châu Âu đang lo ngại về tình trạng dân số lão hóa - một thực trạng ảnh hưởng tới lực lượng lao động, chăm sóc y tế người cao tuổi cùng nhiều vấn đề khác. Ông Kolladge cho rằng "các nước này đang đối mặt với câu hỏi có nên mở cửa cho di dân từ các quốc gia đang phát triển, nhằm bù đắp lượng lao động thiếu hụt hay không." Nhiều cơ quan của Liên hợp quốc như Ủy ban Liên hợp quốc về kinh tế-xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương (UNESCAP) hay UNFPA cho rằng một trong những giải pháp để giảm dân số, đặc biệt là tại các nước nghèo, là giúp phụ nữ được tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục và việc làm tốt bởi khi phụ nữ được giáo dục và khỏe mạnh, họ sẽ có xu hướng sinh ít con. UNFPA đề xuất đầu tư nhiều vào giới trẻ. Thế giới hiện có khoảng 1,8 tỷ thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 10-24. Đây là lực lượng trẻ đông nhất trong lịch sử nhân loại và họ cần được tiếp cận giáo dục, y tế để trở thành động lực dẫn dắt kinh tế toàn cầu. Trong khi đó, tiến sỹ Noeleen Heyzer, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc, đồng thời là người điều hành UNESCAP, khẳng định tăng quyền cho phụ nữ và trẻ em gái chính là chìa khóa để giảm đói nghèo và bất bình đẳng giới, góp phần kìm hãm sự gia tăng dân số toàn cầu. Nhiều nhà nghiên cứu cảnh báo rằng các nguồn tài nguyên trên thế giới đang ngày một cạn kiệt bởi dân số gia tăng. Thêm vào đó, vấn đề biến đổi khí hậu cũng tác động đến môi trường, làm ảnh hưởng tới nền sản xuất nông nghiệp. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để khắc phục tình trạng này nhằm giải quyết vấn đề lương thực cho số dân ngày càng tăng. Theo bà Danielle Nierenberg, Giám đốc Chương trình “Nuôi sống hành tinh” của tổ chức Worldwatch, giải pháp cho vấn đề này là phải đề ra kế hoạch phát triển bền vững trong nông nghiệp, áp dụng những kỹ thuật canh tác hiện đại, ứng dụng các thành tựu khoa học-công nghệ hài hòa với tự nhiên, vừa gia tăng sản lượng công nghiệp, nông nghiệp, vừa bảo vệ môi trường. Bà nói: “Để có thể nuôi sống con người trên hành tinh này trong điều kiện như vậy, người ta cần được hướng dẫn nên sử dụng nước như thế nào cho tiết kiệm nhất, làm thế nào để duy trì và tăng cường sự màu mỡ cho đất canh tác."

Bà cũng nêu một số biện pháp như phát triển trồng trọt ở thành thị, xây dựng một chiến lược kết hợp hài hòa nông-lâm nghiệp, bảo vệ rừng vì đó là nơi cung cấp nguồn nước thiên nhiên và phân bón tự nhiên. Với Việt Nam, một nước đông dân và đang trong quá trình hội nhập, sự kiện dân số thế giới đạt ngưỡng 7 tỷ người cũng tạo ra những thách thức mới, song cũng mang đến những cơ hội. Tại buổi họp báo về Báo cáo tình hình dân số thế giới năm 2011 diễn ra ngày 27/10 tại Hà Nội, ông Bruce Campbell, trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, cho rằng giảm bất bình đẳng và cải thiện cuộc sống của người dân hiện nay cũng như các thế hệ tương lai là những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt. Tuy vậy, theo ông, Việt Nam đã bước vào thời kỳ cơ cấu "dân số vàng" với nhóm dân số trẻ lớn nhất trong lịch sử. Hiện nay, nhóm dân số từ 10-24 tuổi, chiếm gần 1/3 dân số cả nước. Việt Nam có cơ hội tận dụng hiệu quả nguồn nhân lực dồi dào này bằng cách đảm bảo mọi thanh niên được tiếp cận giáo dục và đào tạo cũng như các dịch vụ cơ bản. Điều đó sẽ giúp họ chuẩn bị tốt hơn để có thể đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước./.
Đỗ Sinh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục