Mỹ: Tuần hành lớn sau vụ 1 thiếu niên bị bắn chết

Hàng ngàn người đã đổ ra đường tuần hành tại Florida, bày tỏ sự căm phẫn sau vụ một trẻ vị thành niên da màu bị bắn chết.
Hàng ngàn người đã đổ ra đường tuần hành tại Florida, bày tỏ sự căm phẫn sau vụ một trẻ vị thành niên da màu bị một dân phòng người da trắng bắn chết.

Đám đông đã tập trung kín ở công viên Fort Mellon, yêu cầu trả lại công lý cho Trayvon Martin, một thiếu niên 17 tuổi bị dân phòng George Zimmerman bắn chết hôm 26/2.

Những người biểu tình, phần lớn là người Mỹ gốc Phi, đã yêu cầu bắt giữ Zimmerman, nhân vật tuyên bố anh ta chỉ nổ súng để tự vệ. Zimmerman vẫn chưa bị bắt hay đối diện với bất kỳ cáo buộc nào.

Giám đốc cảnh sát Sanford, ông Bill Lee, người vấp phải những chỉ trích vì không bắt Zimmerman, tuyên bố rằng ông sẽ tạm ngưng công tác vì thấy bản thân trở thành yếu tố "gây xáo trộn". "Tôi làm việc này với hy vọng sẽ duy trì một phần trật tự cho thành phố, vốn đã xáo trộn trong vài tuần gần đây" - Lee nói.

Cha của nạn nhân, ông Tracy Martin, yêu cầu nhà chức trách hành động nhiều hơn.

"Việc Lee tạm từ chức chẳng mang lại gì. Chúng tôi muốn một vụ bắt giữ. Chúng tôi muốn thấy kẻ thủ ác bị kết tội và chúng tôi muốn bắt kẻ sát hại con mình," ông nói với những người biểu tình Sanford.

Giới chức tại cơ quan cảnh sát Sanford nói rằng có từ 15.000-20.000 người dân đã tham gia biểu tình ôn hòa, trong đó có cha mẹ Trayvon Martin, nhà hoạt động vì quyền của người Mỹ gốc Phi Al Sharpton và vài nhân vật thuộc giới nhà thờ.

Người biểu tình còn chạy xe từ bang khác tới Florida để biểu tình. "Yếu tố chủng tộc có vai trò lớn trong vụ này," Karen Curry, 33 tuổi, người đã tới cuộc biểu tình cùng với gia đình nói. "Vì sao cảnh sát không bắt gã đàn ông đã bắn chết một thiếu niên và bỏ nạn nhân lại như một thứ rác rưởi như vậy?"

Jeffree Fauntleroy, một sĩ quan cảnh sát về hưu ở Florida, người đã từ Tampa tới Sanford cùng vợ, nói rằng ông rất tức giận. "Có quá nhiều điều sai trái trong vụ này và chuyện tương tự không diễn ra với một đứa trẻ da trắng. Thật quá buồn," ông nói.

Tracy Mean, 45 tuổi, nói rằng cô đã lái xe suốt 2 tiếng rưỡi tới đây để "ủng hộ gia đình nạn nhân và cuộc điều tra liên quan". Diane Culmin, 65 tuổi, thậm chí còn bỏ ra tới 4 giờ rưỡi để đi từ Miami sang cùng 2 đứa cháu trai, nhằm ủng hộ gia đình nạn nhân và "biểu tình chống lại việc nạn phân biệt chủng tộc vẫn tồn tại ở một số vùng của đất nước.” Bà Diane nói rằng các cháu mình "cần phải hiểu rằng cuộc chiến vì quyền lợi của màu da vẫn tiếp tục cho tới năm 2012".

Người dân cũng phát các tờ rơi có những tuyên bố như "Chúng tôi muốn công lý" và "Hãy yên nghỉ, Trayvoon, chúng tôi sẽ kết thúc cuộc chiến của cháu."

Bộ Tư pháp Mỹ, FBI, phòng công tố viên trưởng và Cơ quan Chấp pháp Florida đang điều tra vụ việc. Cảnh sát địa phương tin rằng Zimmerman không thể bị khởi tố do Florida có một đạo luật cho phép cư dân ở đây dùng vũ lực trong tình huống tự vệ.

Sự tức giận của dư luận và việc vụ này xuất hiện tràn lan trên báo chí đã khiến ngay cả nước Mỹ cũng ngạc nhiên. Những người muốn Zimmerman bị bắt nói rằng y đã gọi cho cảnh sát vài lần và cho biết đang theo dõi một đối tượng "nghi vấn". Mặc dù tổng đài trả lời rằng không đuổi theo Martin, Zimmerman vẫn đi theo và cuối cùng bắn hạ nạn nhân bằng khẩu súng ngắn 9mm. Hoàn cảnh gây ra vụ nổ súng chưa được làm rõ.

Rất nhiều điểm trong sự kiện này là ví dụ mới nhất cho thấy vấn đề chủng tộc và đối xử không công bằng với người da màu trong hệ thống luật hình sự của Mỹ. Quan chức Norton Bonaparte của thành phố Sanford đã kêu gọi điều tra độc lập hành động của cảnh sát.

Hôm thứ Tư, cuộc tuần hành mang tên "A Million Hoodies March" cũng đã thu hút sự tham gia của vài trăm người ở New York, trong đó người biểu tình mặc chung một chiếc áo thun giống loại Martin đã mặc khi bị bắn./.

Gia Bảo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục